Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhân lực chất lượng cao cho kỷ nguyên vươn mình phát triển (Bài cuối)

>>>Bài 1: Khoảng trống nguồn nhân lực chất lượng cao

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai14/05/2025

>>> Bài 2: Xây dựng hệ thống đào tạo nghề trọng điểm


Bài cuối: Cấu trúc lại cơ sở đào tạo nghề

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 5 trường đại học đào tạo đa ngành, trong đó có 2 trường đại học công lập (chưa kể các trường công an và quân đội) và 3 trường đại học ngoài công lập. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 10 trường cao đẳng nghề, chủ yếu là trường công lập và một số trường trung cấp nghề.

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (tại huyện Long Thành) trong giờ học. Ảnh:H.Yến
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (tại huyện Long Thành) trong giờ học. Ảnh:H.Yến

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, các trường đại học đang xác định các ngành thế mạnh để tập trung phát triển đào tạo, đồng thời ngày càng chú trọng hơn sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực

Ngoại trừ Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai là trường đào tạo chuyên ngành y, các trường đại học, cao đẳng còn lại đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, một số ngành, nghề xuất hiện ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng như: kỹ thuật cơ khí, cơ điện - điện tử, kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, logistics, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Hàn Quốc...  Những năm gần đây, các trường đại học còn mở thêm các ngành đào tạo mới như: thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện…

Đồng Nai hiện có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.

Nhìn vào các ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng có thể thấy rõ nhu cầu của thị trường lao động cũng như xu hướng lựa chọn ngành, nghề của học sinh, sinh viên hiện nay. Mặt khác, điều này cũng cho thấy các trường hầu như chưa có những ngành thế mạnh riêng, chuyên sâu, mà vẫn đang chạy theo xu hướng chung. Các ngành đào tạo hiện có của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cũng chưa bám sát xu thế chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi hình thức thu hút đầu tư của tỉnh.

Nhận thức rõ điều này, thời gian gần đây, một số trường đại học đã có những bước đi đầu tiên để sẵn sàng bắt tay vào đào tạo các ngành nghề mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghệ số, mô hình kinh tế xanh, net zero…

Theo đó, Trường đại học Lạc Hồng là trường tiên phong trong đào tạo ngành vi mạch bán dẫn. Trường này đã tuyển sinh được 25 sinh viên đầu tiên đào tạo chuyên sâu về vi mạch, có phòng thực hành vi mạch bán dẫn và đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp về vi mạch bán dẫn để hợp tác trong đào tạo, cam kết đầu ra việc làm cho sinh viên. Trường cũng đã ký hợp tác toàn diện với Trường đại học bang Arizona (Hoa Kỳ). Với hợp tác này, nhà trường được chuyển giao toàn bộ quy trình, giáo trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn.

Trường đại học Đồng Nai vốn có thế mạnh về đào tạo ngành sư phạm nay cũng chuyển hướng đầu tư nhiều hơn cho các ngành thuộc khối kỹ thuật. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mục tiêu net zero, Trường đại học Đồng Nai đang xây dựng chương trình đào tạo cho chuyên ngành năng lượng tái tạo. Để chuẩn bị chu đáo cho ngành học mới, cán bộ quản lý và giảng viên khối ngành kỹ thuật của trường đã tham gia nhiều hội nghị, hội thảo về năng lượng tái tạo; phối hợp nghiên cứu khoa học, tham quan các doanh nghiệp về năng lượng tái tạo…

Định hướng xây dựng trung tâm đào tạo nghề khu vực

Ngày 4-5-2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chỉ thị số 21). Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 247/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 21. Trong đó đặt ra nhiệm vụ quan trọng là “rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Theo đó, yêu cầu sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm về quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng Nai đặt ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng 2 trường cao đẳng của tỉnh thành trường chất lượng cao, có khả năng đào tạo một số nghề đạt chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế. Đồng thời, phát triển 1 mô hình đào tạo nghề xanh; có 2 trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao chuẩn khu vực, quốc tế; có 40 ngành nghề trọng điểm, trong đó có từ 25-30 ngành nghề có năng lực cạnh tranh và từ 5-10 ngành nghề vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới.

Tại Đồng Nai, ngày 31-7-2023, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 278-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 21 trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai xác định đổi mới, phát triển toàn diện giáo dục nghề nghiệp, xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.

Đến năm 2030 và những năm tiếp theo phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận được trình độ các nước ASEAN-4, G20; tiến tới công nhận văn bằng, chứng chỉ, kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới; cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề đạt trình độ của nước phát triển (G20).

Về đội ngũ, có 100% giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế đạt chuẩn kỹ năng nghề và năng lực sư phạm của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và các nước phát triển trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng giảng dạy tiếp cận công nghệ 4.0 và chuyển đổi số…

Trên thực tế, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Đồng Nai phát triển khá mạnh với hơn 50 cơ sở đào tạo nghề. Tuy nhiên, hầu hết các trường cao đẳng, trung cấp nghề cùng đào tạo một số ngành nghề tương tự nhau. Điều này có mặt tích cực là tạo ra sự cạnh tranh trong tuyển sinh và đào tạo, giúp người học có nhiều lựa chọn cơ sở để theo học. Tuy nhiên, cũng dẫn đến chồng chéo về đầu tư.

Cụ thể, nguồn lực đầu tư cho nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo bị dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp là rất lớn, nhất là về trang thiết bị đối với các nghề thuộc khối kỹ thuật. Mỗi thiết bị để học sinh, sinh viên thực hành có thể lên đến hàng tỷ đồng nhưng rất nhanh bị lỗi thời, không theo kịp thực tế làm việc tại doanh nghiệp.

Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 hiện là trường nghề đi đầu trong thực hiện Chỉ thị số 21 trên địa bàn tỉnh. Tháng 11-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và dân vận Trung ương) Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến dự lễ khai giảng tại trường.

Chia sẻ về tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường khẳng định, nhà trường tiếp tục phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nghề xuất sắc của cả nước và trở thành trung tâm thực hành vùng để xây dựng trung tâm hướng đến tiêu chuẩn G20. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng nhà trường đi đầu trong việc đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế và nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tiến nhanh và đi đầu trong chuyển đổi số, đưa trường đến môi trường số, giảng viên số, sinh viên số.

Mặc dù đã có những bước đi đầu tiên trong thực hiện Chỉ thị số 21 nhưng việc sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Các trường nghề chưa thực sự chủ động, năng động trong thực hiện chỉ thị này. Điều này đòi hỏi cần có một cuộc sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề, nhất là các trường công lập. Trong đó tránh đào tạo dàn trải, manh mún, lãng phí. Cần tái cấu trúc lại các trường theo hướng giao nhiệm vụ đào tạo những ngành trọng điểm cho từng trường theo sát với nhu cầu sử dụng của tỉnh nhằm vừa tăng hiệu quả, vừa tránh lãng phí.           

Hải Yến

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202505/nhan-luc-chat-luong-cao-cho-ky-nguyen-vuon-minh-phat-trien-bai-cuoi-65258c7/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm