Khóa đào tạo đầu tiên
Ngày 27/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam với 6 chương, 35 điều, có hiệu lực từ ngày 1/9. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính quốc tế dự kiến đặt tại TPHCM và TP Đà Nẵng, trong 3 ngày từ 26-29/6, tại Trường Đại học Việt Đức đã diễn ra khóa đào tạo đầu tiên về nhân lực cho Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Khóa học có sự tham gia của khoảng 30 học viên lãnh đạo, cán bộ đến từ TPHCM và Đà Nẵng, đại diện một số Bộ, ngành liên quan và các ngân hàng thương mại.
Chương trình học được thiết kế với cường độ cao và mang tính thực tiễn, tập trung trang bị cho học viên những kiến thức toàn diện về vai trò, chức năng cũng như cách thức thiết lập và giám sát hoạt động của một Trung tâm tài chính quốc tế trong bối cảnh một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Trực tiếp đứng lớp khóa học là các chuyên gia tài chính hàng đầu đến từ Đại học Goethe Frankfurt như GS Jan Pieter Krahnen, Thành viên Hội đồng Tư vấn Học thuật của Bộ Tài chính Liên bang Đức; GS Michael Binder chuyên gia về kinh tế vĩ mô từng giảng dạy tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Tại lễ khai giảng khóa đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là chủ trương lớn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ xác định là nhiệm vụ chiến lược trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Theo Thứ trưởng, mô hình Trung tâm tài chính quốc tế với nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết và Việt Nam cần chuẩn bị một lực lượng lao động chất lượng cao được đào tạo chuyên nghiệp, có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe trong vận hành các trung tâm này, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế.
“Nhiều nghiên cứu chỉ rõ các trung tâm tài chính thành công như London, New York, Frankfurt… cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh vai trò then chốt của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự phát triển của trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng sắp tới”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng chương trình đào tạo khóa đầu tiên mang tính chất nền tảng nên đề nghị các khóa tiếp theo Trường Đại học Việt Đức cùng với phía đối tác Đại học Goethe Frankfurt tiếp tục hoàn thiện và phát triển các chương trình đào tạo gắn sâu hơn vào các hoạt động và vận hành của trung tâm tài chính quốc tế.
Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm vận hành của trung tâm tài chính quốc tế, cũng như đưa ra những khuyến nghị, chuẩn bị khi vận hành mô hình tại Việt Nam.
“Thị trường tài chính cũng đang thay đổi rất nhanh với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo… kết hợp bối cảnh địa chính trị mới sẽ tác động đến các dòng vốn luân chuyển quốc tế. Tôi kỳ vọng, với kinh nghiệm và kiến thức của các giáo sư tại Đức sẽ giúp cho học viên để có một tầm nhìn rõ ràng hơn khi vận hành Trung tâm tài chính tại Việt Nam”, Thứ trưởng nói.
GS René Thiele, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức cho biết, rất tự hào khi được lựa chọn là trường đại học đảm nhận vai trò then chốt trong đề án phát triển của Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam.
Ông nhìn nhận, Trường Đại học Việt Đức và Đại học Goethe Frankfurt đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài, cùng với nhiều tổ chức liên quan khác tại Đức và các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tế trong tổ chức chương trình đào tạo Trung tâm tài chính quốc tế.
“Chúng tôi mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Tôi tin rằng khóa đào tạo đầu tiên này luôn được coi là bước tiến rất quan trọng trong sự phát triển nhà trường và cả đối với Việt Nam”, GS René Thiele nói.

Nhân lực đóng vai trò quan trọng
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc, mục tiêu xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế đã được Đảng, Nhà nước đưa ra từ đầu nhiệm kỳ năm 2021. Hiện nay, mục tiêu phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế không chỉ là khát vọng mà trở thành chiến lược, một “cú hích” giúp Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, giáo dục đào tạo chính là con đường ngắn và bền vững nhất để Việt Nam đi tắt, đón được dòng tài chính quốc tế trong bối cảnh các thị trường Trung tâm tài chính truyền thống có sự điều chỉnh và dịch chuyển về các trung tâm tài chính mới nổi.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhìn nhận, nhân lực cho Trung tâm tài chính quốc tế phải là người Việt Nam gồm những chuyên gia, nhà quản lý, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế một cách bài bản.
“Người Việt Nam có thế mạnh là tinh thần hiếu học. Chất lượng nguồn nhân lực trong nước cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao và chúng tôi cho rằng đấy cũng là điểm cộng với Việt Nam khi xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Về chương trình đào tạo, lãnh đạo Bộ Tài chính mong muốn phối hợp với Bộ GD&ĐT và Trường Đại học Việt Đức xây dựng một chương trình dạy chuyên sâu lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, các chương trình đào tạo cần được đa dạng hóa các loại hình như ngắn hạn, đào tạo trực tuyến… theo các nhóm vấn đề đặt hàng từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ ngành và địa phương.
Đối tượng đào tạo được thiết kế từng chương trình phù hợp cho sinh viên, người có trình độ đại học, sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), các chuyên gia cấp phòng, ban của cơ quan Nhà nước.
Các kiến thức được đào tạo bám sát chủ đề vận hành, giám sát, ứng dụng công nghệ… trong hoạt động Trung tâm tài chính quốc tế.
“Việt Nam có thể nói là một điểm sáng trong khu vực về tăng trưởng kinh tế, ổn định về chính trị, cũng như mạnh dạn ứng dụng fintech (công nghệ tài chính), khuyến khích đổi mới sáng tạo. Những yếu tố này cùng với đội ngũ nhân lực sẽ là những lợi thế lớn khi vận hành trung tâm tài chính hiện đại trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Khóa đào tạo Trung tâm Tài chính quốc tế tại Trường Đại học Việt Đức nhằm cụ thể hóa Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trong buổi làm việc với Trường Đại học Việt Đức vào tháng 4/2025, với định hướng giao cho trường vai trò trung tâm trong nghiên cứu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Trung tâm tài chính quốc tế.
Trường Đại học Việt Đức đã thành lập một Tổ nghiên cứu và phát triển riêng cho chương trình đào tạo phục vụ cho mục tiêu này, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của trường và các giáo sư uy tín từ Đại học Goethe Frankfurt (Đức).
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-can-bo-nguon-cho-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-post739159.html
Bình luận (0)