Cán bộ Công ty Núi Pháo tặng quà trẻ em có hàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện. |
Để quá trình tái cấu trúc hành chính thực sự trở thành động lực cải thiện an sinh xã hội, cần có lộ trình rõ ràng, có sự tham gia của cộng đồng và giám sát xã hội. Chính sách chuyển tiếp phải đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, hệ thống dữ liệu dân cư và các nền tảng số hóa cần triển khai đồng bộ để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ an sinh dễ dàng, minh bạch và hiệu quả hơn.
Theo Bộ Nội vụ, việc tinh giản biên chế, giảm đầu mối quản lý có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nguồn kinh phí quan trọng để tái đầu tư vào chính sách an sinh, như y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội (BHXH) hay trợ cấp cho các đối tượng yếu thế.
Khi trở thành một phần của đơn vị hành chính lớn hơn, người dân ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận hệ thống dịch vụ công chuyên nghiệp hơn, với hạ tầng tốt hơn và đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản.
Vấn đề chăm lo đời sống người dân, đặc biệt nhóm yếu thế luôn là bài toán then chốt. Thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai đầy đủ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, cùng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các gia đình chính sách đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình địa phương; 100% người có công được theo dõi sức khỏe và khám định kỳ.
Ngân sách địa phương đầu tư hàng chục tỷ đồng cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND về việc Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác trên địa bàn: tăng chuẩn hộ nghèo, trợ giúp trực tiếp người khuyết tật nặng, trẻ em là thế hệ thứ ba nhiễm chất độc hóa học...
Trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo huyện Pác Nặm (Bắc Kạn cũ). |
Các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp 100% xã miền núi (Thái Nguyên cũ) có đường ô tô, điện lưới, trường học kiên cố, trạm y tế; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giảm mạnh. Thái Nguyên đặt mục tiêu bình quân thu nhập người DTTS đạt 60% bình quân chung giai đoạn 2024-2029, xóa cận nghèo theo tiêu chí mới.
Chính sách hỗ trợ đã tác động trực tiếp: đường sá, y tế, giáo dục và vệ sinh môi trường cải thiện rõ rệt, mở ra cơ hội nâng cao chất lượng đời sống vùng DTTS, giảm khoảng cách phát triển so với đô thị.
Song song với hỗ trợ chính sách - dân tộc, Thái Nguyên thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: hỗ trợ tiếp cận y tế, giáo dục, tín dụng xã hội, nước sạch, vệ sinh, thông tin... Riêng gia đình có người có công hoặc đối tượng bảo trợ được hưởng tiêu chuẩn cao hơn quy chuẩn cơ bản. Hầu hết hộ nghèo thuộc diện chính sách được đảm bảo mức sống tối thiểu so với cộng đồng; được tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội thiết yếu…
Ở giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục đặt ưu tiên đầu tư hạ tầng - trụ sở xã, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu quản trị mới. Đồng thời, thực hiện các dự án mang lại lợi ích trực tiếp cho dân, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông kết nối, nước sạch, y tế, giáo dục tại các vùng DTTS, miền núi…
Bà Ma Thị Vân, cán bộ hưu trí ở xã Chợ Đồn, chia sẻ: Người dân chúng tôi hy vọng, việc sáp nhập là bước đi chiến lược khai thác tiềm năng vùng miền. Bắc Kạn miền núi gặp nhiều khó khăn, hợp nhất với Thái Nguyên sẽ mở ra nhiều cơ hội mới.
Còn ông Nguyễn Văn Nam, xã Phú Lương, cũng nhìn nhận: Tinh gọn bộ máy giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu năng, hiệu quả công việc. Người dân rất mong đợi vấn đề an sinh xã hội sẽ được quan tâm cải thiện, nâng cao hơn trước.
Lực lượng Dân quân hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở. |
Trên con đường từ Bắc Kạn về trung tâm tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi chợt nhận ra: Điều đáng quý không chỉ là chiếc cầu mới, đường nhựa mở rộng, mà là con tim của những người dân cùng hướng về một cuộc sống bình yên, no đủ, an vui.
An sinh xã hội không đơn giản là chính sách, mà còn là nhịp sống. Đó là chiếc xe đạp giúp học trò miền núi không trễ học; là bữa cơm ấm cúng, đầy đủ hơn sau những giờ lao động vất vả; là máy móc trên đồng ruộng, giúp người nông dân giảm tải sức lao động; là mô hình tình nguyện của đoàn viên thanh niên, nghĩa tình cộng đồng xây dựng lên những ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình thương ấm áp nghĩa tình...
Câu chuyện Thái Nguyên - Bắc Kạn sau sáp nhập đang là một hành trình đầy xúc động về sự kết nối, về sự đồng lòng, hợp sức. Chỉ khi kết hợp tròn vẹn giữa cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, an sinh xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa, tỉnh Thái Nguyên mới thực sự trở thành "cực tăng trưởng mới", đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân - đặc biệt là người nghèo, người có công và đồng bào DTTS.
- Theo thống kê sơ bộ: Sau sáp nhập, tổng số hộ nghèo của tỉnh Thái Nguyên là hơn 21.000 hộ, trong đó phần lớn tập trung tại các xã miền núi phía Bắc. - Tổng số người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên gần 55.000 người, chủ yếu là người cao tuổi, khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa. - Toàn tỉnh quản lý thực hiện chính sách ưu đãi với trên 133.000 người có công với cách mạng. - Trước tháng 4-2025, tỉnh Thái Nguyên (cũ) đã xóa xong nhà tạm, dột nát; Bắc Kạn (cũ) đã đạt trên 71% tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát. |
Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/chung-tay-dung-nen-an-sinh-ben-vung-a661810/
Bình luận (0)