Sáng 8/7, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an tổ chức Hội thảo chủ đề “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam”.
Tại Hội thảo, Đại tá Phạm Minh Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an (C12) - cho biết, 5 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên cả nước xử lý hơn 40.000 vụ việc buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng; nổi bật là tình trạng hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam”. (Ảnh: BTC)
“Việc triển khai các nền tảng truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến như blockchain, là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn thị trường và tăng cường tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng”, Đại tá Phạm Minh Tiến nhấn mạnh.
Đại tá Phạm Minh Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an - phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: BTC)
Cũng theo các chuyên gia tại hội thảo, truy xuất nguồn gốc là nền tảng cho quản trị số, chính sách số và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, giúp Chính phủ hoạch định chính sách hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường niềm tin của người dân vào sản phẩm trong nước.
Tuy nhiên, hiện nay việc truy xuất nguồn gốc còn có một số bất cập như: Không thống nhất mã định danh thống nhất trên toàn quốc; dữ liệu phân tán theo các Bộ, ngành, lĩnh vực, chưa tập trung; việc truy xuất nguồn gốc hiện nay có thực hiện nhưng mới là hình thức, thiếu chiều sâu (chưa thể hiện được chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu, sản xuất đến người tiêu dùng); không kiểm soát hiệu quả hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Bùi Bá Chính - Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia - phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: BTC)
Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc còn những hạn chế như: Người tiêu dùng chưa có một công cụ xác thực; cơ quan chức năng xử lý thủ công, bị động chưa có kiểm soát chặt chẽ; doanh nghiệp không bắt buộc phải tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá; thiếu liên thông giữa truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng hàng hoá và không có cơ sở dữ liệu tập trung để đánh giá và kiểm soát hàng hoá.
Các chuyên gia nhận định, với hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ nội địa như blockchain, định danh số… Việt Nam có thể kiểm soát dữ liệu trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nền tảng ngoại và giữ vững chủ quyền dữ liệu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Bá Chính - Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia - cho rằng, từ thực tế những vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả nghiêm trọng gần đây cho thấy đã đến lúc không thể làm ngơ mà cần phải siết chặt công tác quản lý bằng công nghệ để tránh các rủi ro tương tự xảy ra.
Bên cạnh đó, bối cảnh thúc đẩy chuyển đổi số từ Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra bài toán chuyển đổi số cho sản phẩm hàng hóa.
“Nghị quyết đề cập việc đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số, bảo đảm kinh tế số các ngành, lĩnh vực, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số… Thực hiện chuyển đổi số chính là khoác cho sản phẩm hàng hóa chiếc áo mới hiện đại hơn, dễ kết nối hơn và quan trọng nhất là dễ kiểm chứng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng”, ông Chính nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Huy - Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia - trình bày giải pháp công nghệ mới tại hội thảo. (Ảnh: BTC)
Còn theo ông Nguyễn Huy - Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm không phải là vấn đề mới, nhưng gần đây trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội, được nhiều người quan tâm. Đã có những quy định, đã có những tổ chức, doanh nghiệp triển khai việc này nhưng còn rất manh mún, rời rạc và hiện chưa có một cơ chế xuyên suốt từ trên xuống dưới thống nhất làm như thế nào.
“Trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, có như vậy mới định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được”, ông Huy nhấn mạnh.
Minh Hoàn
Nguồn: https://vtcnews.vn/cong-nghe-trong-xac-thuc-truy-xuat-nguon-goc-giai-phap-ngan-chan-hang-gia-ar948263.html
Bình luận (0)