Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cụ thể hóa chuyển đổi số trong dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

BBK - Chiều 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Báo Bắc KạnBáo Bắc Kạn14/05/2025


135.jpg

Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cụ thể hóa chuyển đổi số trong dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trong phiên thảo luận đã có 28/50 đại biểu đăng ký được phát biểu. Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã nêu góp ý đối với nội dung chuyển đổi số trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế, quy định về chuyển đổi số tại Điều 16 của dự thảo còn mang tính chung chung, chưa cụ thể, cần được điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Cụ thể:

Tại khoản 1 của Điều 16, dự thảo đề cập đến việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện thông qua phát triển hạ tầng số, số hóa dữ liệu và tự động hóa quy trình. Đại biểu Huế cho rằng định hướng này phù hợp với Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tuy nhiên cần cụ thể hóa các tiêu chí để đánh giá mức độ “chuyển đổi số toàn diện” như tỷ lệ số hóa dữ liệu, mức độ tự động hóa, tiêu chuẩn tương thích của hạ tầng số...đặc biệt cần bổ sung quy định đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu – một yếu tố sống còn khi thông tin khoa học, công nghệ có tính nhạy cảm cao.


Với khoản 2 về khuyến khích sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng quy định hiện hành chưa xác định rõ phạm vi ứng dụng cụ thể trong các hoạt động khoa học công nghệ như phân tích dữ liệu nghiên cứu, dự báo xu hướng công nghệ hay tối ưu hóa quản lý dự án.

Đại biểu cũng lưu ý đến các rủi ro tiềm ẩn như vi phạm quyền riêng tư, đạo đức nghiên cứu hay lạm dụng dữ liệu, đồng thời đề xuất cần quy định rõ phạm vi ứng dụng AI và dữ liệu lớn, bao gồm phân tích dữ liệu nghiên cứu, tối ưu hóa quản lý dự án, dự báo xu hướng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; quy định việc sử dụng AI và dữ liệu lớn phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, bảo vệ quyền riêng tư và tránh lạm dụng dữ liệu; nghiên cứu bổ sung cơ chế hỗ trợ cụ thể như: Cơ chế ưu đãi thuế cho doanh nghiệp ứng dụng dữ liệu lớn và khuyến khích hợp tác nguồn lực từ bên ngoài trong phát triển công nghệ.

Còn tại khoản 3 Điều 16, đại biểu Huế đánh giá việc xây dựng nền tảng quản lý quốc gia là bước tiến quan trọng trong việc số hóa chu trình quản lý khoa học công nghệ. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần quy định rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật như tính tương thích quốc tế, khả năng tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, tiêu chuẩn bảo mật theo ISO hiện hành; đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong vận hành, cập nhật, bảo trì nền tảng; cơ chế truy cập công bằng, minh bạch cho mọi tổ chức, cá nhân.


Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất quy định chi tiết về định dạng dữ liệu, thời hạn lưu trữ, cơ chế kiểm tra tính chính xác của thông tin, cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu. Việc xử lý vi phạm như cung cấp thông tin sai lệch hoặc không cập nhật đầy đủ dữ liệu cũng cần có chế tài cụ thể như xử phạt hành chính hoặc tạm dừng tài trợ.

Liên quan đến việc đăng ký và lưu trữ kết quả nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Huế đồng tình với định hướng mở rộng nguồn lực từ xã hội. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất cần bổ sung các chính sách khuyến khích cụ thể hơn như ưu đãi thuế, hỗ trợ chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất dùng chung. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tương ứng nhằm tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân chia sẻ kết quả nghiên cứu.

Ghi nhận các góp ý từ các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.


Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này, với kỳ vọng tạo hành lang pháp lý vững chắc, hiện đại cho sự phát triển bền vững của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số./.

Ái Vân


Nguồn: https://baobackan.vn/dai-bieu-nguyen-thi-hue-de-nghi-cu-the-hoa-chuyen-doi-so-trong-du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post70761.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm