Vấn đề này được nêu ra tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên năm 2025, diễn ra ngày 16/5.
Bà Phan Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, cho hay, việc định danh, phân tầng giữa cao đẳng và đại học hiện nay trong mắt người học chưa được truyền thông đúng mức, dẫn đến sự thiếu hấp dẫn của các chương trình đào tạo nghề.
"Tâm lý chung của phụ huynh vẫn nặng về bằng cấp. Phụ huynh muốn con mình học đại học hơn là học cao đẳng rồi sau đó liên thông. Do vậy, họ sẵn sàng cho con "vào đại" một trường đại học nào đó, cảm giác danh giá hơn là học nghề, học xong rồi tính, không quan tâm tới chất lượng.
Trong khi đó, chuẩn đầu vào của nhiều trường đại học hiện nay khá thấp, một số trường cực kỳ thấp, học sinh trung bình cũng có thể đỗ đại học dễ dàng", bà Thu nêu thực trạng.

Học sinh Hà Nội tham gia Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động (Ảnh: Hoàng Hồng).
Bên cạnh đó, bà Thu cho rằng, việc các trường đại học được kéo dài thời gian tuyển sinh đến tháng 11 hàng năm cũng khiến cơ hội tuyển sinh của trình độ cao đẳng và trung cấp bị thu hẹp lại. Sự bất bình đẳng về thời gian tiếp cận học sinh cũng là nguyên nhân khiến trường nghề mất lợi thế tuyển sinh so với đại học.
Cùng quan điểm, ông Đặng Việt Xô, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, dẫn hai con số đáng chú ý trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024: Hơn 200 trường đại học tuyển được khoảng 551.000 học sinh, gần 830 trường cao đẳng, trung cấp tuyển được khoảng 430.000 học sinh.
Theo ông Xô, điều này cho thấy sự mất cân đối giữa các trình độ đào tạo, gây ra cảnh "thừa thầy thiếu thợ".
"Giáo dục đại học là đào tạo tinh hoa, chỉ nên tuyển ở mức độ nhất định, còn lại dành cơ hội cho giáo dục nghề nghiệp", ông Xô nói, đồng thời đề xuất Bộ GD&ĐT thắt chặt chất lượng tuyển sinh đại học để học sinh trượt đại học có thể vào học cao đẳng như thời gian trước đây.
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông cũng nêu kiến nghị tương tự, mong muốn Bộ rà soát và nâng chuẩn đầu vào của đại học, đặc biệt đối với những ngành không có tính đặc thù.
Bà Thu cũng đề xuất rút ngắn thời gian tuyển sinh đại học, đồng bộ hóa thời gian nhập học giữa các hệ đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp.
Phản hồi các ý kiến nói trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc nhiều năm chưa tháo gỡ được của các trường nghề. Tuy nhiên ông Sơn cho rằng, "siết" đầu vào đại học là phạm luật.
"Chúng ta phải đảm bảo quyền học tập của người dân, không thể vì muốn tuyển được nhiều hơn cho giáo dục nghề nghiệp mà cản trở con đường học lên đại học", ông Sơn nói.
Thứ trưởng Sơn cũng cho rằng, cách thức truyền thông tuyển sinh của trường nghề hiện nay chưa xác đáng.
Ông dẫn chứng những thông điệp mang tính hạ thấp như "thừa thầy thiếu thợ", "học đại học ra không có việc làm" là cách tiếp cận không đúng và thực tế không phá vỡ được tâm lý thích học đại học của phụ huynh, học sinh.
Ông Sơn nhấn mạnh, các trường cần tăng chất lượng đào tạo, tạo ra giá trị cho người học, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động, khi đó số lượng học sinh sẽ tự tăng.
"Các trường phải cho người học thấy lợi ích khi theo học, cơ hội công việc tương lai và mức thu nhập tốt. Hãy coi các em là con em mình để tư vấn, đừng coi họ là người mình phải "lùa" vào, sẽ không bền", Thứ trưởng Sơn nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dai-hoc-lay-diem-dau-vao-qua-thap-truong-nghe-than-mat-co-hoi-tuyen-sinh-20250517002922481.htm
Bình luận (0)