Vừa qua, nhiều trường mầm non, tiểu học tại Quảng Bình nhận được văn bản của ngành thuế, yêu cầu đóng thuế giá trị gia tăng cho nhiều hoạt động năm học 2024-2025. Trong đó có thuế bữa ăn bán trú, thuê nhân viên nấu ăn, bảo vệ, mua nước uống, giấy kiểm tra…
Các khoản thuế được đưa ra đang khiến lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình băn khoăn. Họ cho rằng, việc áp thuế vào một số hoạt động trong trường học là chưa phù hợp.

Trường Mầm non Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).
Nằm ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), Trường Mầm non xã Lâm Hóa có 114 học sinh. Vừa qua, nhà trường cũng nhận được văn bản về việc nộp thuế giá trị gia tăng, trong đó có cả thuế bữa ăn bán trú.
Bà Cao Thị Ánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lâm Hóa, cho rằng, khi nhà trường tổ chức ăn bán trú, việc mua nguyên liệu, thực phẩm đều có hóa đơn, nghĩa là bên cung ứng đã đóng thuế giá trị gia tăng, do vậy áp thêm thuế trên từng suất ăn của học sinh là chưa phù hợp.
Theo quan điểm của bà Ánh, các hoạt động ăn bán trú, thuê cô nuôi, bảo vệ đều phục vụ học sinh và hoạt động giáo dục, chứ không phải kinh doanh, sinh lời. Do đó, bà Ánh kiến nghị các cấp, ban, ngành cần xem xét việc miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho các hoạt động này.
Tương tự là Trường Mầm non Bắc Lý có 625 học sinh, trong đó có 500 em đăng ký ăn bán trú. Lãnh đạo nhà trường cho hay, theo hướng dẫn của cơ quan thuế, mỗi bữa ăn học sinh giá 23.000 đồng phải chịu thuế 3% (tương đương 690 đồng).
"Nhiều trường học cũng đã có ý kiến với các ngành liên quan về việc này. Tiền ăn bán trú là phụ huynh đóng góp. Khi mua nguyên liệu nấu ăn đã đóng thuế một lần, giờ thu thêm thuế trên từng suất ăn là bất hợp lý. Trường chúng tôi cũng sẵn sàng một khoản riêng để nộp thuế, nếu được miễn giảm sẽ trả lại cho phụ huynh", lãnh đạo Trường Mầm non Bắc Lý cho hay.

Bữa ăn bán trú của học sinh một trường học trên địa bàn Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).
Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Đoàn Vĩ Tuyến, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thuế khu vực XI, cho biết, việc thu thuế tại các trường công lập hiện nay không trái với nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Bình.
Theo ông Tuyến, luật thuế hiện hành có hai phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là khấu trừ và trực tiếp.
Với phương pháp khấu trừ, đơn vị nộp thuế phải hạch toán được sổ sách kế toán, chứng từ hóa đơn theo quy định. Khi đó, số tiền phải nộp là phần chênh lệch giữa thuế giá trị gia tăng đầu ra và thuế giá trị gia tăng đầu vào (phải đủ điều kiện khấu trừ).
Nếu đơn vị không hạch toán được sổ sách kế toán, chứng từ hóa đơn, luật quy định mức thuế cố định trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ và thuế suất giá trị gia tăng được tính theo tỷ lệ phần trăm, tùy hàng hóa dịch vụ.
Lý giải rõ hơn về việc tính thuế cho bữa ăn bán trú học sinh, ông Tuyến nói rằng, khi trường học hạch toán được sổ sách kế toán, có hóa đơn đầy đủ khi mua nguyên liệu sẽ được khấu trừ thuế.
Trường hợp trường học không hạch toán được hóa đơn đầu vào, sẽ không được khấu trừ thuế đã nộp khi mua nguyên liệu nấu ăn. Điều này dẫn đến việc các trường cho rằng mình phải đóng thuế giá trị gia tăng đến hai lần.
"Ngành thuế luôn khuyến khích các đơn vị hạch toán kế toán, chứng từ đầy đủ và áp dụng phương pháp khấu trừ thuế", ông Tuyến nhấn mạnh.
Ông Tuyến cũng cho biết, sẽ chỉ đạo cán bộ thuế trực tiếp làm việc với các trường để hướng dẫn chi tiết cách kê khai, nộp thuế đúng quy định nhằm tránh tình trạng hiểu chưa đúng cách xác định tiền thuế phải nộp, cho cùng một dịch vụ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/xon-xao-mot-bua-an-ban-tru-cua-hoc-sinh-phai-dong-2-lan-thue-20250517094259123.htm
Bình luận (0)