Công nghệ số, AI bao gồm các phần mềm, ứng dụng, hệ thống thông tin, internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, công nghệ máy học… Những công nghệ, ứng dụng này giúp doanh nghiệp thu thập, phân tích dữ liệu, tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý.
Đưa công nghệ số đến doanh nghiệp
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nghị quyết 57 – NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm. Để các thành viên Hiệp hội nhanh chóng tiếp cận và đưa các ứng dụng số, AI vào quản trị, sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng đó, kết nối với doanh nghiệp công nghệ để giải quyết những bài toán của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Thường trực Hiệp hội đã chỉ đạo mỗi doanh nghiệp hội viên phải có ít nhất 1 trợ lý ảo AI để hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành doanh nghiệp, từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng linh hoạt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 4.300 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhận thức được những giá trị mà các ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại các thành viên Ban Thường trực, Ban Chấp hành Hiệp hội là những người tiên phong ứng dụng công nghệ số vào công tác quản trị, chỉ đạo điều hành. Đến nay, mỗi người đều có 1 trợ lý ảo AI để hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành, quản trị nhân sự, phân tích dữ liệu và ra quyết định tại doanh nghiệp mình. Để các thành viên Hiệp hội nhanh chóng tiếp cận và đưa các ứng dụng số, trí tuệ nhân tao (AI) vào sản xuất, quản trị, kinh doanh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp và tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của doanh nghiệp như: ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất kinh doanh; ứng dụng công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp; hội thảo chuyên đề “khởi nghiệp 4.0 – Tăng tốc thành công cùng AI”... Mỗi hoạt động đều thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp và tổ chức 7 hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, AI vào sản xuất kinh doanh với hơn 500 lượt hội viên tham gia.
Sau các lớp tập huấn, nhiều doanh nghiệp đã từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ số, AI trong một số quy trình như: phân tích, dự báo nhu cầu thị trường; xây dựng kế hoạch tiếp cận khách hàng tiềm năng; quản trị hân sự; quảng bá sản phẩm; thiết kế sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ở từng phân khúc, vùng miền khác nhau; tối ưu chuỗi cung ứng; cá nhân hóa trải nghiệm của người tiêu dùng… Việc khai thác hiệu quả AI không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động mà còn nâng cao tính cạnh tranh và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Ứng dụng vào quản trị, sản xuất, kinh doanh
Từ những lớp tập huấn, hội viên Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ số, AI vào sản xuất, quản trị và kinh doanh. Tại Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thiên Phú (Khu đô thị Nam Hoàng Đồng I, phường Tam Thanh) từ năm 2023, công ty đã chủ động nghiên cứu, đưa những ứng dụng số, AI vào các hoạt động. Cụ thể như sử dụng phần mềm dùng chung tích hợp, liên thông thay thế cho các phần mềm riêng lẻ trước đây, vì vậy, các nhu cầu của đại lý được nhân viên thị trường nhập thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng và được chuyển thẳng về văn phòng; sau khi hàng hóa xuất kho hóa đơn điện tử cũng được gửi trực tiếp đến khách hàng. Cùng đó, thông qua ứng dụng số, người quản lý có thể biết được tiến độ thực hiện nhiệm vụ của từng nhân viên.
Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thiên Phú cho biết: Chúng tôi đã giảm được 2 nhân sự ở bộ phận văn phòng nhờ ứng dụng công nghệ số và AI. Những công nghệ này giúp bộ phận văn phòng có thể nắm và thực hiện rất nhanh những quy định mới của pháp luật, tiết kiệm thời gian soạn thảo các văn bản, thực hiện nghiệp vụ của kế toán. Làm việc chủ yếu trên môi trường điện tử cũng giúp công ty tiết kiệm những chi phí cứng như máy in, giấy, khấu hao máy móc, thiết bị…
Bên cạnh đưa những ứng dụng số vào hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chủ động nghiên cứu, đặt hàng các công ty công nghệ xây dựng các phần mềm chuyên dụng phù hợp với đặc thù của đơn vị mình. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc (phường Lương Văn Tri) cho biết: Quy trình sản xuất cây giống lâm nghiệp từ khi xuống giống đến lúc xuất vườn tại công ty chúng tôi thường kéo dài 2 đến 3 năm, mỗi loại cây có thời gian xuống giống, quy trình chăm sóc khác nhau. Để tính toán được giá thành sản phẩm, kế toán phải tập hợp thông tin qua từng năm như: giá nhân công, giá giống, chi phí vật tư… điều này mất rất nhiều thời gian và dễ xảy ra sai sót. Vì vậy, hiện chúng tôi đang đặt hàng công ty công nghệ xây dựng 1 phần mềm kế toán chuyên biệt phù hợp với nhu cầu của công ty.
Ứng dụng công nghệ số và AI trong doanh nghiệp đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh. Với sự chủ động từ các doanh nghiệp cùng sự đồng hành của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh những ứng dụng số sẽ còn tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, góp phần giúp các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nguồn: https://baolangson.vn/dan-loi-doanh-nghiep-trong-thoi-dai-4-0-5052137.html
Bình luận (0)