Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Đánh thức" văn hoá đọc trong thiếu nhi

Sự "bùng nổ" của các loại hình thông tin điện tử trực tuyến như: internet, truyền hình, sách online... đang làm thay đổi văn hóa đọc của độc giả, nhất là độc giả trong độ tuổi thiếu nhi. Với mục tiêu giúp các em thiếu nhi có khoảng thời gian thư giãn thoải mái, lành mạnh trong thời gian nghỉ hè đồng thời hình thành và phát triển kỹ năng đọc…, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động nhằm nuôi dưỡng tình yêu với sách cho trẻ.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định09/05/2025

Thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh.
Thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh.

Ngay từ đầu các năm học, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Nam Định) đã phát động phong trào xây dựng "Tủ sách lớp học" đến tất cả các lớp. Nhà trường khuyến khích học sinh, phụ huynh và giáo viên cùng nhau đóng góp sách cho tủ sách của lớp. Sách có thể là sách giáo khoa tham khảo, truyện đọc, sách khoa học… phù hợp với lứa tuổi của học sinh theo tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”. Tất cả các khối lớp đều xây dựng Tiết đọc thư viện từ 2-4 tiết/tháng; đồng thời tổ chức các hoạt động: kể chuyện theo sách, viết các bài gửi Báo Nhi đồng, Tạp chí Văn tuổi thơ, Toán tuổi thơ giúp học sinh thêm yêu thích đọc sách, ham học hỏi và có kiến thức sâu rộng. Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức các hoạt động để học sinh có cơ hội tiếp cận với những cuốn sách bổ ích, ý nghĩa như phối hợp với Thư viện tỉnh đưa xe sách lưu động mở trang trại giáo dục tại núi Ngăm, thị trấn Gôi (Vụ Bản) để học sinh có không gian đọc sách và nghe diễn giả chia sẻ về lợi ích của việc đọc sách, truyền cảm hứng đam mê đọc sách. Những hoạt động này đã và đang góp phần lan tỏa văn hóa đọc, khơi gợi niềm yêu thích sách và thành thói quen đọc sách cho học sinh. 

Thư viện Trường Tiểu học Nam Cường (Nam Trực) được bố trí không gian thân thiện, khoa học, phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Với không gian mở, không vách ngăn, tận dụng ánh sáng tự nhiên. Các loại đồ dùng thiết bị được trang bị đầy đủ như: giỏ đựng sách, bàn ghế phục vụ việc đọc, thảm xốp trải phòng tạo thiện cảm, gần gũi và sinh động. Đặc biệt, trên sân trường, nhiều kệ sách, báo được tái sử dụng từ nhiều vật liệu tái chế cũ được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn, phục vụ nhu cầu đọc tại chỗ của học sinh. Nhà trường định kỳ bổ sung sách hàng năm phù hợp với chương trình dạy và học thực tế. Ngoài bổ sung các bộ sách giáo khoa, sách tham khảo, sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi như: truyện tranh, văn học, truyện cổ tích, sách học tiếng Anh…, nhà trường còn kêu gọi học sinh, phụ huynh quyên góp, tặng sách cũ cho thư viện nhằm bổ sung vào các tủ sách, phục vụ nhu cầu đọc của các em, góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường.

Để phát triển văn hoá đọc cho thiếu nhi, hiện nay nhiều trường học đã và đang chung tay tạo dựng những không gian đọc sách mở, sinh động và hấp dẫn để kết nối tình yêu sách và hình thành kỹ năng học tập suốt đời. Đến nay, 100% trường học các cấp trong tỉnh đều có thư viện trường với hơn 10 nghìn tủ sách lớp học. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường đã đầu tư thư viện thông minh, thư viện điện tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm sách và tài liệu tham khảo của cán bộ, giáo viên và học sinh. Ngoài hệ thống thư viện trường học, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều không gian đọc sách dành riêng cho thiếu nhi.

Trong đó, Thư viện tỉnh đã chú trọng nâng cao số lượng đầu sách và các thể loại sách, báo phục vụ thiếu nhi; đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu sách; thực hiện luân chuyển sách đến các tủ sách cơ sở, thư viện trường học... Đặc biệt, để phục vụ tối đa nhu cầu đọc sách của độc giả nói chung và thiếu nhi nói riêng, Thư viện tỉnh đã giảm thiểu các thủ tục hành chính, linh hoạt khi tiến hành cấp, đổi thẻ đảm bảo tiện lợi, nhanh chóng. Với thủ tục đơn giản, thời gian chờ đợi được rút ngắn tối đa, cùng sự hướng dẫn tận tình, thái độ ân cần của cán bộ thư viện, những người yêu sách và các em thiếu niên, nhi đồng không còn ngần ngại khi bước chân vào Thư viện tỉnh. Hiện tại, phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh với hơn 18 nghìn bản sách. Vào mỗi dịp hè, trung bình có từ 100-150 lượt trẻ em đến tìm đọc sách mỗi ngày. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện ở các huyện, thành phố và nhiều thư viện tư nhân, hàng nghìn tủ sách gia đình, dòng họ… đã và đang sẵn sàng phục vụ đối tượng thiếu nhi. Đây là những không gian đặc sắc và sáng tạo được duy trì để lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong các em nhỏ. Hàng năm, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động: xây dựng thư viện trong nhà trường, khu dân cư; tổ chức Ngày sách và văn hoá đọc; thi đại sứ văn hóa đọc; vẽ tranh và giới thiệu sách hay… Nhiều trường học đã và đang chung tay tạo dựng những không gian đọc sách mở, sinh động và hấp dẫn để kết nối tình yêu sách và hình thành kỹ năng học tập suốt đời.

Tuy nhiên, bên cạnh không gian đọc sách sáng tạo, ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu môi trường đọc cho thiếu nhi; tỷ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao, hoạt động khuyến đọc nhiều nơi còn mang tính phong trào. Nguyên nhân chủ yếu là do thư viện chưa được đầu tư đúng mức để khai thác hiệu quả hoạt động phục vụ thiếu nhi. Thư viện ở cơ sở và thư viện trong trường học chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ và yêu cầu thực tiễn nói chung.

Vì vậy, để tiếp tục hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, các đơn vị, trường học, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi. Trong đó, chú trọng phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình gia đình đọc sách - gắn kết yêu thương. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị hiện đại, có nguồn dữ liệu bản quyền đa dạng, hấp dẫn thanh thiếu nhi, góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/danh-thuc-van-hoa-doc-trong-thieu-nhi-63a7312/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm