Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn |
Diễn đàn quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, đại diện các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế, quỹ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản, cùng nhau đối thoại về các động lực mới và cách thức xây dựng một nền tảng vững chắc cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển động dưới nhiều áp lực mới, từ căng thẳng thương mại giữa các cường quốc, các biện pháp thuế đối ứng, đến xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và biến động dòng vốn đầu tư, Việt Nam đứng trước thời điểm quan trọng để nhìn lại nền tảng phát triển của mình theo hướng bền vững hơn.
Theo ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay đang chuyển động rất nhanh và phức tạp. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là diễn biến mới nhất liên quan đến chính sách thuế đối ứng, rào cản thương mại và xu hướng kiểm soát chuỗi cung ứng chiến lược.
Những yếu tố này không chỉ định hình lại dòng chảy thương mại, mà còn tái cấu trúc mạnh mẽ dòng vốn đầu tư quốc tế vào các nền kinh tế có độ mở như Việt Nam. Đây chính là thời điểm Việt Nam cần xây nền một cách vững chắc để đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới, không phải bằng những kỳ vọng ngắn hạn, mà bằng các bước chuẩn bị dài hạn, có chiều sâu và tính liên kết cao.
Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế từ Fulbright, phân tích các chỉ số kinh tế tại Diễn đàn |
Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế từ Fulbright, nhận định để nền kinh tế có thể bật lên trong giai đoạn tới, trước tiên cần xây dựng sự ổn định vĩ mô và cải thiện độ bền tài chính, từ đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Vai trò của các chính sách điều hành, nhất là sự phối hợp hiệu quả giữa tài khóa và tiền tệ, cần được đặt vào trung tâm. Việc định hướng lại dòng tín dụng và vốn đầu tư theo hướng chọn lọc, hướng đến các lĩnh vực nền tảng như công nghiệp, hạ tầng, logistics và bất động sản thiết yếu đang được đánh giá là giải pháp then chốt.
Trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp diễn, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn sản xuất nước ngoài. Tuy nhiên, để duy trì sức hút và vươn lên trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực, Việt Nam không chỉ cần hạ tầng cứng mà còn phải cải thiện “hạ tầng mềm”, từ quy hoạch, thủ tục đầu tư, đến môi trường phát triển công nghiệp bền vững.
Nhìn nhận bất động sản công nghiệp và dòng vốn FDI chất lượng cao là hai trụ cột chiến lược trong chu kỳ tăng trưởng mới, trong đó xu hướng bất động sản công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng đối với nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh các rào cản thương mại ngày càng siết chặt.
Tại Diễn đàn, nhiều chủ đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam như Frasers Property, Prodezi chia sẻ về hành trình chuyển mình sang mô hình phát triển bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn ESG, đầu tư vào năng lượng tái tạo, xử lý tuần hoàn nước và chất thải, cũng như tích hợp các giải pháp số hóa để nâng cao hiệu quả quản trị khu công nghiệp. Đây được xem là bước đi chiến lược để không chỉ thích ứng với các quy định toàn cầu, mà còn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, thu hút các dòng vốn FDI chất lượng. Một chu kỳ tăng trưởng bền vững không thể tách rời khỏi nền tảng tài chính vững chắc.
Tại Phiên thảo luận “Dòng vốn trong kỷ nguyên mới - cơ hội cho Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2 cho biết, hiện nay, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng quốc tế và quỹ đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn dài hạn, thúc đẩy các dự án bất động sản công nghiệp xanh, hạ tầng logistic thông minh cũng như tài trợ cho những doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp - Ngân hàng UOB chia sẻ về chuyển động dòng vốn FDI trong bối cảnh căng thẳng thương mại hiện nay. Dưới góc nhìn lạc quan, Việt Nam vẫn giữ được sức hút trong mắt nhà đầu tư nhờ sự ổn định chính trị, cam kết hội nhập và dư địa phát triển thị trường công nghiệp. Tuy nhiên, để không bị tụt lại so với các đối thủ trong khu vực cần tăng tốc cải thiện thể chế, cải thiện chất lượng lao động và đặc biệt là có chiến lược phát triển khu công nghiệp bài bản, gắn với chuyển đổi xanh và công nghệ.
Diễn đàn Tài chính - Bất động sản 2025 không chỉ là nơi nhìn lại các con số, mà còn gợi mở không gian thảo luận dài hạn giữa khu vực công - tư. Trong đó, yếu tố “xây nền” được hiểu theo nhiều tầng lớp về nền kinh tế vĩ mô ổn định, nền tài chính minh bạch, hiệu quả và nền bất động sản phát triển bền vững. Thông qua Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư và nhà làm chính sách có cách tiếp cận mới, từ đó góp phần hình thành một hệ sinh thái phát triển có trách nhiệm, đủ sức đi đường dài và đủ sức chống chọi với biến động toàn cầu.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/dinh-huong-dong-von-dau-tu-theo-huong-chon-loc-de-tang-truong-163855.html
Bình luận (0)