Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y dược cổ truyền

Sáng 4/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng04/07/2025

hình 2
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng

Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng có đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Y tế; Nông nghiệp và Môi trường; Dân tộc và Tôn giáo; Khoa học và Công nghệ; Nội vụ; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Tài chính; Công thương; Hội Đông y tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo kết quả 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 với mục tiêu chung là phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác y dược cổ truyền đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ: Hệ thống các cơ sở y dược cổ truyền cơ bản đã được đầu tư nâng cấp; mạng lưới y dược cổ truyền ở tuyến y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển; chất lượng dược liệu, vị thuốc được bảo đảm, thuốc cổ truyền đa dạng và hiệu quả điều trị cao; dịch vụ khám, chữa bệnh lĩnh vực y dược cổ truyền ngày càng phong phú và đa dạng hóa, chất lượng được nâng cao...

Một số tỉnh triển khai tốt hoạt động y dược cổ truyền tại tuyến cơ sở: Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, Lâm Đồng, Tiền Giang...

Tuy nhiên, hầu hết các mục tiêu đề ra trong Chương trình đều chưa đạt được; các nhiệm vụ giao cho Bộ Y tế đều chưa hoàn thành. Các bệnh viện y dược cổ truyền mặc dù đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhưng chưa thực sự thu hút được người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh; khung đào tạo lĩnh vực y dược cổ truyền chưa phù hợp với thực tiễn; đầu tư nguồn lực cho y dược cổ truyền chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác phát triển y dược cổ truyền vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có.

Báo cáo cũng nêu tỉ lệ giường bệnh y dược cổ truyền/tổng số giường bệnh chung, số khoa y dược cổ truyền hoặc tổ y dược cổ truyền của các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện chuyên khoa, tỷ lệ xã triển khai khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền, tỷ lệ xã triển khai bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh y dược cổ truyền đều chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tỉ lệ khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại từ tuyến Trung ương đến tuyến xã đều chưa đạt mục tiêu.

hình 1
Lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc và các sở, ngành tham dự Hội nghị

Công tác bảo tồn dược liệu được duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái. Khảo sát và xác định được số loài cây thuốc thuộc diện cần bảo tồn tại các vườn quốc gia: Cát Bà, Cát Tiên, Bạch Mã, Bù Gia Mập, Pù Mát, Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu. Xây dựng và ban hành được trên 150 quy trình kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, chế biến của 40 loài cây thuốc làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân tham khảo.

Lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị trong và ngoài ngành y tế. Lưu giữ trong kho lạnh hạt giống của 200 loài; bảo tồn in vitro 15 loài thuộc diện quí hiếm hoặc có tiềm năng phát triển. Có 100% các nguồn gen bảo tồn được đánh giá ban đầu; 30% nguồn gen được đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển.

Đã ứng dụng kỹ thuật hiện đại (sinh học phân tử) để đánh giá một số nguồn gen về đa dạng di truyền; gần 30 loài cây thuốc đã được chọn lọc, tập trung nghiên cứu để phục vụ công tác chọn tạo giống.

Cơ bản hình thành được một số vùng trồng dược liệu lớn. Hiện có 17 doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng 106 dược liệu và đã được cấp giấy chứng nhận dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO với diện tích 21.800 ha.

Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý chất lượng dược liệu. Đầu tư nguồn lực cho y dược cổ truyền chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mục tiêu trong thời gian tới là phát triển toàn diện y dược cổ truyền, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển mạnh y dược cổ truyền; tăng cường quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân và phục vụ du lịch; củng cố và phát triển mạng lưới y dược cổ truyền và Hội Đông y Việt Nam.


Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm: Cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền mạnh mẽ đến các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hội nghề nghiệp về vị trí và trò của y dược cổ truyền Việt Nam trong bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của địa phương, đơn vị bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về y dược cổ truyền gắn với chính quyền 2 cấp; đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y dược cổ truyền góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các công tác thông tin, truyền thông về y dược cổ truyền; xã hội hóa về y dược cổ truyền. Đẩy mạnh công tác phát triển dược liệu, chú trong các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, gắn công tác phát triển dược liệu với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt với vùng núi và đồng bào dân tộc; hủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá, đưa y dược cổ truyền Việt Nam ra các nước trên thế giới...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu, cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền mạnh mẽ về vai trò, vị trí của y dược cổ truyền trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về y dược cổ truyền, đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y dược cổ truyền góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách.

Tăng cường đầu tư nguồn lực cho hệ thống quản lý y dược cổ truyền từ trung ương đến địa phương. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường công tác xã hội hóa về y dược cổ truyền. Đẩy mạnh công tác phát triển dược liệu; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá, đưa y dược cổ truyền Việt Nam ra các nước trên thế giới.

Nguồn: https://baolamdong.vn/doi-moi-he-thong-quan-ly-va-cung-cap-dich-vu-y-duoc-co-truyen-381070.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm