Nghị quyết số 06-NQ/TU được ban hành ngày 17/5/2021 - một trong những nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được quán triệt sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị, tổ chức thành chương trình hành động cụ thể với 21 nhóm mục tiêu, 73 nhiệm vụ và lộ trình thực hiện rõ ràng.
BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành hàng chục nghị quyết, chương trình, đề án, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm. Tỉnh tổ chức giám sát định kỳ hằng quý, năm và sơ kết giữa nhiệm kỳ, tạo nên sự thống nhất và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Một trong những dấu ấn đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực linh hoạt, sáng tạo: Trong 5 năm (2021-2025), Quảng Ninh huy động tổng cộng hơn 120.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình phát triển vùng khó, trong đó vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 16%, còn lại là xã hội hóa và tín dụng chính sách. Mỗi đồng vốn công đã kéo được hơn 5 đồng vốn ngoài ngân sách, thể hiện tầm nhìn và năng lực điều hành hiệu quả. Chuyển biến toàn diện, sâu rộng. Sau 5 năm triển khai, 21/25 chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết đã hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ, 4 chỉ tiêu còn lại đang trên đúng lộ trình để đạt trong năm 2025 với những kết quả mang tính đột phá trên tất cả các lĩnh vực.
Đối với hạ tầng KT-XH, tỉnh đã hoàn thành 15/15 công trình giao thông động lực kết nối vùng sâu, vùng xa; đầu tư hàng trăm công trình hạ tầng thiết yếu như thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… 100% thôn, bản có sóng di động và internet, tỷ lệ hộ dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 99,99%, trong đó dùng nước sạch theo chuẩn đạt trên 85%. Đến đầu năm nay, thu nhập bình quân đầu người ở các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt 83,79 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 40 triệu đồng so với năm 2020. Các mô hình kinh tế tập thể, HTX, doanh nghiệp vùng cao phát triển mạnh. Toàn tỉnh có 768 HTX nông nghiệp, 432 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Phát triển rừng bền vững, nông nghiệp sinh thái, chăn nuôi gia súc, thủy sản ven biển theo hướng hiện đại cũng được triển khai đồng bộ.
Đối với giáo dục, y tế, an sinh xã hội, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 24 trường học, xây mới, hiện đại hóa hàng loạt trạm y tế, nhà văn hóa. Các chính sách đặc thù cho giáo viên, học sinh vùng cao được ban hành đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 10,5%, 100% trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo được cấp thẻ BHYT. Hệ thống khám chữa bệnh lưu động, tư vấn dinh dưỡng tận nhà được triển khai đến tận thôn bản. Riêng đối với phát triển du lịch và văn hóa bản địa, nhiều địa phương đã khai thác tiềm năng cảnh quan, văn hóa dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, gắn với khôi phục các làng nghề, lễ hội truyền thống, thể thao dân tộc.
Cùng với thúc đẩy phát triển KT-XH, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Hệ thống an ninh cơ sở được củng cố, lực lượng công an xã chính quy được bố trí đầy đủ. Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được đẩy mạnh; phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Qua 5 năm, tình hình an ninh trật tự cơ bản ổn định, không phát sinh điểm nóng, bảo đảm vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ, công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ cũng được thực hiện tốt. Mô hình đưa cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy xã tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả tích cực trong gắn kết quân - dân vùng biên giới. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương. Chỉ còn 8 hộ nghèo và 1.197 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh. Tỉnh cũng đã hoàn thành mục tiêu chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sớm hơn 3 năm so với kế hoạch. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Để Nghị quyết 06 thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự phát triển mạnh về KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đó là kết quả của sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị; là sự đổi mới tư duy, mạnh dạn phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò người đứng đầu; là sự kiên trì với phương châm “lấy dân làm gốc”, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong từng chính sách, dự án. Đặc biệt, tỉnh đã lấy ngân sách nhà nước làm “vốn mồi” để huy động hiệu quả các nguồn lực khác. Trong một bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Quảng Ninh đã chứng minh rằng: Với quyết tâm chính trị cao, tư duy đổi mới và sự vào cuộc của cả hệ thống, vùng khó có thể bứt phá mạnh mẽ.
Trên nền tảng thành quả đạt được, Quảng Ninh tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu còn lại của Nghị quyết 06 vào cuối năm 2025 và tiến tới triển khai kế hoạch giai đoạn 2026-2030 với nhiều nội dung trọng tâm, trong đó tập trung hoàn thiện hạ tầng liên kết vùng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vững mạnh.
Ông Lỷ A Chặng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn: “Nghị quyết 06 thật sự đã chạm tới trái tim người dân vùng cao” Là xã miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Ninh, trước đây Hải Sơn là địa phương còn nhiều khó khăn, hạ tầng thiếu thốn, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp. Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 06 về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới hải đảo, xã Hải Sơn được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, nhất là việc đầu tư, nâng cấp tỉnh lộ 341 đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho giao thông toàn khu vực cũng như việc đi lại, phát triển sản xuất. Điện, nước sạch, trường học, trạm y tế được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Nhiều mô hình phát triển kinh tế mới như trồng cây dược liệu, chăn nuôi, phát triển du lịch cộng đồng được triển khai, giúp người dân có thêm việc làm và thu nhập ổn định. An ninh biên giới được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Nghị quyết 06-NQ/TU thật sự đã chạm tới trái tim người dân vùng cao. Bà con không còn chỉ mong chờ Nhà nước, mà chủ động vươn lên để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hải Sơn là hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. |
Ông Voòng A Tài, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Sơn, xã Quảng Tân: “Từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền” Tinh thần gắn bó đoàn kết, hăng hái thi đua luôn là nguồn động lực mạnh mẽ để tập thể cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Quảng Tân đạt nhiều thành tựu dẫn đầu trong hầu hết các phong trào thi đua tại địa phương những năm qua. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới, tham gia chuyển đổi số, tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin và tích cực xây dựng cảnh quan môi trường khang trang sạch đẹp. Nhiều công trình hạ tầng được cải tạo, nâng cấp phục vụ nhu cầu dân sinh nhờ có sự đóng góp kinh phí, hiến đất GPMB, tham gia ý kiến tâm huyết... của đông đảo nhân dân. Từng thôn đều có nhà văn hóa được trang bị hệ thống wifi, camera, thiết bị hiện đại phục vụ sinh hoạt dân cư. Rồi hiện nay, trên địa bàn đã có nhiều doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đã và đang được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương... Tất cả những điều này đang là những tín hiệu tích cực trong hành trình từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, giúp nâng cao hơn chất lượng đời sống cho người dân. Một trong những động lực quan trọng là nhờ có Nghị quyết 06-NQ/TU đã đi nhanh vào đời sống. |
Bà Từ Thị Kém, thôn Vòng Tre, đặc khu Vân Đồn: “Đời sống văn hóa tinh thần cũng liên tục được nâng cao” Người dân chúng tôi hết sức vui mừng khi quê hương Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung ngày càng phát triển. Không chỉ cảnh quan diện mạo được đầu tư, mức thu nhập ngày càng cải thiện, mà đời sống văn hóa tinh thần cũng liên tục được nâng cao. Các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được phát động thường xuyên và rất sôi nổi, phong phú. Tôi tham gia sinh hoạt tại CLB hát Soọng cô cùng với các chị em phụ nữ trong thôn đã được gần 5 năm. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, chúng tôi được cùng nhau sưu tầm các làn điệu, câu hát truyền thống; tìm hiểu và lưu giữ các bộ trang phục theo đúng bản sắc văn hóa của dân tộc Sán Dìu. Nhờ có các buổi sinh hoạt hằng tuần, rồi tới những buổi hăng say tập luyện để tham gia các sự kiện giao lưu các dịp lễ tết, chương trình của địa phương... chúng tôi được nâng cao đời sống tinh thần, củng cố tình cảm đoàn kết gắn bó, chia sẻ. Khi đã thông thuộc về hát Soọng cô, hiểu về ý nghĩa bản sắc của văn hóa dân tộc mình, chúng tôi có thể truyền dạy lại cho các con cháu trong gia đình, dòng họ, để cho bản sắc ấy sẽ luôn được gìn giữ trân trọng, không bị mai một. Mong rằng trong thời gian tới, văn hóa phi vật thể này sẽ ngày càng được biết đến nhiều hơn, có thể góp phần tạo đà cho du lịch cộng đồng phát triển. |
Bà Triệu Thị Hương, thôn Khe Mằn, xã Ba Chẽ: “Nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành động của đông đảo người dân” Thẳng thắn nhìn vào thực tế cho thấy, nhiều tập quán lạc hậu trước đây của đồng bào sinh sống tại vùng sâu, vùng xa đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng môi trường sống. Có thể kể đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở sát nhà ở; không xây nhà tiêu hợp vệ sinh tại gia đình; rác thải sinh hoạt cũng không được thu gom, xử lý phù hợp; việc giữ vệ sinh nhà cửa, bếp núc, vườn tược... đều rất tạm bợ, hời hợt. Thế nhưng tất cả những điều ấy đã được thay đổi, có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành động của đông đảo người dân. Tại thôn chúng tôi, thói quen sinh hoạt, lao động được điều chỉnh bằng quy ước khu dân cư, lại có cán bộ, đảng viên thường xuyên sâu sát để tuyên truyền, thuyết phục, vận động, hướng dẫn. Người dân hiểu được những chuyển biến ấy là điều bức thiết để bảo vệ sức khỏe, đẩy lùi các mầm mống phát sinh bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân, gia đình, con cái. Càng mừng hơn khi những khó khăn, vướng mắc của chúng tôi cũng đã được quan tâm, hỗ trợ bằng các chương trình, chính sách kịp thời. Nhất là các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ kinh phí để xây nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại... cho tới các lớp tập huấn về “5 không, 3 sạch”, phòng ngừa dịch bệnh. |
Giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã triển khai 842 dự án hạ tầng thiết yếu, với tổng vốn đầu tư hơn 118.100 tỷ đồng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới và hải đảo.
Trong 3 năm (2021-2023), tỉnh đã huy động trên 118.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình MTQG. Trong đó nguồn vốn tín dụng và huy động ngoài ngân sách chiếm trên 84%, nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm khoảng 16% tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có tính lan tỏa, động lực.
Hết năm 2023, Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025, về đích trước 2 năm, hiện thực hóa mục tiêu thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo.
|
Nguồn: https://baoquangninh.vn/don-bay-phat-trien-toan-dien-vung-kho-3365273.html
Bình luận (0)