
Nhiều trở ngại
Mặt bằng và nguồn cung vật liệu vẫn là nút thắt trên tuyến quốc lộ 14B, đóng vai trò huyết mạch nối thành phố Đà Nẵng với các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, đoạn tuyến từ nút giao Túy Loan đến giáp xã Đại Lộc đang được nâng cấp cải tạo. Mặc dù dự án khởi công từ cuối năm 2023, đến nay công tác bàn giao mặt bằng vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến triển khai thi công.
Theo Sở Xây dựng (chủ đầu tư dự án), về hồ sơ giải phóng mặt bằng đã áp giá phê duyệt giá trị bồi thường 1.063/1.080 hồ sơ. Trong đó, nhận tiền đền bù 837 hồ sơ. Đơn vị thi công tiếp cận hiện trường 748 hồ sơ. Phần còn lại hội đồng giải phóng mặt bằng đang hoàn tất hồ sơ theo kết quả tiếp dân để mời các hộ dân nhận tiền đền bù.
Về mặt bằng bàn giao thi công, đã bàn giao khoảng 5,2km/7,58km (đạt 68,60%) bên phải tuyến và 4,8km/7,58km (đạt 63,33%) bên trái tuyến đường.
Các nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 3,40/7,58km (đạt 44,85%) bên trái tuyến và 4,20/7,58km (55,40%) bên phải tuyến, các vị trí còn lại mặt bằng nhận được chưa liên tục nên không triển khai toàn bộ. Phần còn lại chưa bàn giao nên đang gấp rút triển khai công tác kiểm kê, đánh giá công năng, áp giá, tiếp dân vận động và hoàn thiện các thủ tục chi trả.
Về công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đối với hạ tầng kỹ thuật không thuộc quản lý của nhà nước đang được các đơn vị chủ quản thực hiện theo tiến độ giải phóng mặt bằng; mặt bằng xong đến đâu tiến hành di dời đến đó vì phải bảo đảm thông tin liên lạc, nguồn điện nước phục vụ sản xuất và đời sống của dân và doanh nghiệp trong phạm vi khu vực dự án đi qua; đồng thời không ảnh hưởng tiến độ thi công của nhà thầu. Đối với Điện lực Đà Nẵng, đã di dời 94/149 cột hạ áp và 4/149 cột đang di dời.
Hiện tại, nhà thầu đã hoàn thành công tác di dời cây xanh trước Trung tâm Hành chính UBND huyện Hòa Vang (cũ), đang di dời tường rào và bia di tích An Phước, hệ thống cáp thông tin liên lạc.
Bên cạnh vướng mắc mặt bằng, việc cung ứng vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất đắp nền đường đang là vấn đề nhức nhối. Do các mỏ vật liệu ở Đà Nẵng đang trong quá trình cấp phép hoặc trữ lượng hạn chế, nhà thầu phải vận chuyển đất từ các địa phương lân cận, làm gia tăng chi phí và kéo dài thời gian vận chuyển.
Ngoài đất đắp, các loại vật liệu như đá dăm, cát xây dựng cũng đang khan hiếm cục bộ do nhu cầu từ nhiều công trình khác trên địa bàn tăng cao. Một số mỏ khai thác bị siết chặt quy trình kiểm soát môi trường, khiến nguồn cung không ổn định.
Cụ thể, từ khi khởi công dự án đến nay, tình hình nguồn cung vật liệu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do các mỏ vật liệu trong khu vực được ưu tiên cho dự án đường cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, cảng Liên Chiểu và một số dự án trọng điểm khác đang được triển khai đồng thời trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng thường xuyên báo cáo UBND thành phố tập trung chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc liên quan thủ tục cấp phép, gia hạn đối với các mỏ vật liệu trên địa bàn thành phố theo quy định để có thể bảo đảm nguồn cung vật liệu cho dự án.
Theo Sở Xây dựng, dự án đang vào giai đoạn tập trung đắp đất trên cơ sở điều phối từ mỏ đất logistics, tuy nhiên trữ lượng tại mỏ này gần hết, khối lượng đất còn lại không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để đắp nền đường. Sở Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố để xin chủ trương điều phối đất thừa từ các dự án khác, tuy nhiên các dự án cũng trong tình trạng khan hiếm tương tự. Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các đơn liên quan tìm nguồn cung cấp đất đắp cho dự án.
Gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ
Bắt đầu từ tháng 7, khu vực miền Trung bước vào mùa mưa trái mùa và nắng nóng gay gắt xen kẽ khiến việc thi công tại hiện trường gặp nhiều khó khăn. Các nhà thầu cho biết, chỉ cần mưa lớn vài giờ cũng khiến nền đường bị ngập, sạt, buộc phải dừng thi công, gây gián đoạn kéo dài. Đặc biệt, việc tổ chức thi công ban đêm để tránh nắng nóng cũng gặp hạn chế do ánh sáng yếu, ảnh hưởng đến an toàn lao động. Các đơn vị vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa căng mình khắc phục tác động của thời tiết để không bị trễ hẹn với chủ đầu tư.
Trước những khó khăn trên, ban quản lý dự án và chính quyền địa phương đang phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ từng vướng mắc. Trong đó, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng được xem là nhiệm vụ then chốt.
Theo Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình, Sở Xây dựng Vũ Ngọc Trung, công trình đang huy động 17 mũi thi công với gần trăm kỹ sư, công nhân lao động; ngoài ra có hàng chục thiết bị như máy đào bánh lốp, máy ủi, máy lu, ô-tô vận chuyển, máy đầm cóc, xe đào, máy xúc, máy cẩu và các máy móc, thiết bị khác để tập trung thi công.
Vừa qua, Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận chủ trương gia hạn hợp đồng đến ngày 31-12-2025. Sở Xây dựng chỉ đạo nhà thầu cần tăng các mũi thi công, máy móc thiết bị, nhân lực, vật tư để triển khai, bù lại tiến độ đã bị chậm trễ, đáp ứng kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu Sơn Đông và nhà thầu CIENCO 4 có phương án thi công phù hợp với điều kiện mặt bằng nhỏ hẹp. Đồng thời, tổ chức thi công hợp lý với điều kiện địa hình, huy động thiết bị và nhân sự chia thành nhiều mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Được biết, dự án thực hiện chủ yếu trên diện tích đất nông nghiệp và đất ở hai bên tuyến nên gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhìn chung, công tác giải phóng mặt bằng đến nay còn chậm so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trong đó nguyên nhân chủ yếu do khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, tính chất pháp lý phức tạp, nhân sự ít, đồng thời phải tập trung giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan. Ngoài ra, Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang (cũ) đã chuyển về hoạt động tại Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, do vậy việc sắp xếp ổn định bộ máy ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng…
Tuy nhiên, để dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B về đích đúng hạn như cam kết cần thêm sự chỉ đạo sát sao từ các cấp, sự phối hợp đồng bộ giữa người dân, chính quyền và chủ đầu tư.
Nguồn: https://baodanang.vn/du-an-cai-tao-nang-cap-quoc-lo-14b-go-vuong-mac-day-nhanh-tien-do-thi-cong-3265215.html
Bình luận (0)