|
Ruộng bậc thang vàng óng ở Du Già là điểm nhấn thu hút du khách. |
Những thanh âm mộc mạc
Tôi có dịp trở lại Du Già vào một ngày đầu tháng Bảy, theo cung đường đèo từ Đường Thượng với nhiều cua tay áo như thử thách tay lái và sự kiên nhẫn của bất cứ ai. Ngày hè miền cao mang chút nắng rát đổ lên những phiến đá tai mèo sừng sững; dọc đường từng mảng rừng xanh, nương ngô tươi tốt và ruộng bậc thang bắt đầu ngả vàng, khung cảnh đó có phần bù đắp cho những vất vả sau chuyến đi dài. Tôi dừng xe bên một khúc cua nơi có thể ngắm trọn trung tâm xã, Du Già vẫn giữ nguyên nét yên ả, trong trẻo làm quên đi cái oi nồng miền xuôi, chỉ còn lại hương núi rừng mộc mạc.
Du Già được ví như “viên ngọc” của Cao Nguyên đá một phần lý do nằm trong khu vực Vườn quốc gia Du Già. Trong câu chuyện về công tác bảo tồn thiên nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Mấm cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý về “kho báu” sinh học và địa chất, địa mạo địa phương. Được biết, Vườn quốc gia Du Già có diện tích vùng lõi trên 15.000 ha và vùng đệm khoảng 8.850 ha với hệ động, thực vật vô cùng phong phú. Đằng sau khung cảnh bình yên của những cánh rừng già là nơi sinh sống của hơn 1.000 loài động, thực vật bậc cao, trong đó có những cái tên quý hiếm có trong Sách Đỏ như Voọc mũi hếch, Vượn đen má trắng, Thông đỏ bắc... Đặc điểm địa lý, sinh học quý giá này tạo ra cho xã tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và thu hút đầu tư trong những năm gần đây.
|
Một sớm bình minh tại Du Già. |
Trở lại Du Già lần này, tôi có dịp đi sâu hơn vào từng bản làng, khám phá những điểm đến mà trước đây chỉ nghe qua lời kể. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Mấm “mời” tôi trải nghiệm đi bộ xuống thôn Cốc Pảng. Trong quá trình di chuyển, anh kể cho tôi nghe thêm những thú vị trong đời sống, văn hóa địa phương. Anh chia sẻ: “Xã có nhiều dân tộc thiểu số, trong đó người Mông, Tày, Dao chiếm đa số. Bà con sinh sống bên các thung lũng, sườn đồi quanh năm mây phủ, chăm chỉ canh tác và tạo ra những đặc sản nông nghiệp, vừa phục vụ đời sống, vừa đáp ứng hoạt động du lịch. Nhiều năm qua, địa phương kiên trì thực hiện các giải pháp lưu giữ văn hóa dân tộc, bảo tồn kiến trúc truyền thống và các lễ hội, tín ngưỡng như một cách để giữ gìn suối nguồn văn hóa của dân tộc. Nổi bật là Chợ tình Phong lưu Du Già, các lễ hội đầu xuân, lễ mừng cơm mới, lễ hội Gầu tào... được duy trì như sợi dây gắn kết đạo đức, nguồn cội. Cùng với cảnh quan, truyền thống, văn hóa các dân tộc chính là chất xúc tác thu hút khách du lịch đến địa phương. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2025, xã đón gần 56.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm đa số”.
“Đánh thức” tiềm năng du lịch cộng đồng
Những năm gần đây, Du Già đã nắm bắt tiềm năng du lịch cộng đồng để phát triển sinh kế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương. Giữa núi non bạt ngàn, Homestay của 9X Nguyễn Văn Khuy dựng theo nếp nhà sàn của người Tày. Anh cùng với 36 hộ dân làm lưu trú cộng đồng tại xã đã chung tay làm du lịch xanh, giúp du khách thực sự hòa vào nhịp sống người dân bản địa. Giữa nắng chiều vàng rực ở Cốc Pảng, căn nhà sàn của anh Khuy mộc mạc, thoang thoảng mùi khói bếp. Tôi có dịp gặp anh lần đầu vào năm 2018, ông chủ Homestay Du Già khi ấy vừa tròn 23 tuổi. Vừa cùng vợ chuẩn bị bữa tối cho đoàn khách đến từ Hà Nội, anh phấn khởi chia sẻ với tôi những đổi thay sau thời gian không gặp. Đáng mừng nhất đến nay anh đã sở hữu thêm 1 Homestay nữa với tên Du Già Panorama với 1 nhà sàn và 8 bungalow, sức chứa tối đa 30 người.
|
Nét đẹp chợ phiên cuối tuần tại Du Già. |
Anh Khuy là người dân tộc Tày gốc bản địa, năm 2018 khi nhận thấy lượng khách tìm về Du Già ngày càng đông, chỗ nghỉ lại khan hiếm nên anh đã cải tạo lại nhà để đón khách. Anh tâm sự: “Ban đầu làm Du Già Homestay còn sơ khai, mình chưa có kinh nghiệm không biết đón khách thế nào, nhưng được gặp gỡ nhiều và tham gia các khóa học làm du lịch nên giờ càng tự tin. Mỗi năm, gia đình đón trên 1.000 lượt khách, chủ yếu là người nước ngoài. Khách Tây thích ngủ nhà sàn, ăn cơm cùng gia đình, hỏi chuyện đồng áng, việc chăn nuôi, mình cũng thấy vui vì có thể chia sẻ cuộc sống quê hương”. Buổi tối đó, tôi và Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Mấm được mời ở lại ăn tối với cá chép ruộng kho tương, xôi nếp râu và mầm thảo quả xào thịt treo gác bếp. Bên ánh đèn vàng, câu chuyện về cuộc sống, mùa màng và cả mong muốn làm du lịch xanh của những người như anh Khuy khiến đêm Du Già trở nên gần gũi và ấm áp hơn bao giờ hết.
Du Già đang khéo léo gìn giữ văn hóa truyền thống, khai thác thế mạnh địa phương để phát triển du lịch bền vững. Từ nếp nhà truyền thống, văn hóa các dân tộc đến ruộng bậc thang óng vàng và con suối Thâm Luông mát lành, tất cả cùng nhau kể chuyện về một miền đất yên bình gây ấn tượng cho du khách. Anh Brandon Parker, du khách người Canada chia sẻ: “Tôi thực sự choáng ngợp khi đến đây, cảnh quan, địa chất tất cả rất nguyên sơ. Người dân rất chân thành, mến khách, còn ẩm thực thì tuyệt vời. Tôi tìm thấy sự kết nối gần gũi, bình yên mà hiếm nơi nào có được”.
Rời Du Già, tôi mang theo cảm giác quyến luyến bởi sự chân thành và nỗ lực gìn giữ bản sắc trong dòng chảy du lịch cộng đồng. Những giá trị thiên nhiên, văn hóa đang dần được “đánh thức” sẽ mở ra hướng đi bền vững cho địa phương. Để rồi, mỗi bước chân lữ khách dừng ở Du Già sẽ không chỉ là trải nghiệm, mà còn là lời hẹn trở lại với miền đất đầy thi vị.
Phạm Hoan
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/phong-su/202507/du-gia-not-nhac-bong-tren-cao-nguyen-da-27e1b14/
Bình luận (0)