Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sứ giả lặng thầm của miền đá

Với giọng văn riêng biệt, nhà văn Chu Thị Minh Huệ, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tuyên Quang được ví như một sứ giả lặng thầm của miền đá. Những tác phẩm của chị không chỉ góp phần giữ gìn “linh hồn” văn hóa các dân tộc qua từng trang viết, mà còn vượt qua ranh giới địa lý, bước ra đời sống học đường, văn học, báo chí và cả trong tâm thức người đọc.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang04/07/2025

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ.
Nhà văn Chu Thị Minh Huệ.

Nghề viết văn đến như duyên mệnh

Theo nhà văn Chu Thị Minh Huệ, đến với văn luôn luôn là một cuộc tìm kiếm vất vả và lâu dài. Khi còn là học sinh cấp 3 chuyên Văn, những hình ảnh đẹp trong văn học đã ngấm vào chị qua từng tác phẩm văn học. Đến lúc ra nghề, sống giữa vùng đất địa đầu Tổ quốc, để thỏa mãn với đam mê, sở thích, chị đã thử sức với văn học. Thể loại đầu tiên là thơ, qua năm tháng dày dặn hơn, chị viết văn xuôi, truyện ngắn, rồi đến tiểu thuyết.

Chị bộc bạch: “Văn chương là một quá trình trường kỳ khám phá. Càng khám phá càng thú vị, nhưng phải sau khi vượt qua những khó khăn của việc đi tìm tư liệu, tìm cốt truyện, nhân vật, tình tiết trên thực tế. Dù bằng cách này hay cách khác, những gì tôi tích lũy được luôn ở một góc nào đó trong tâm hồn, khi gặp được sợi chỉ đỏ của một cốt truyện, tự nó sẽ bật ra và trở thành một tác phẩm”.

“Nhịp thở của đá” qua văn chương

Từ tập thơ đầu tay “Dốc Chín Khoanh” xuất bản năm 2006, đến các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, nhà văn Chu Thị Minh Huệ chung thủy về đề tài, các hình ảnh, thân phận ở cao nguyên đá. Trong đó, có những sáng tác tiêu biểu được nhiều người biết đến như các tập sách: Bông dẻ đẫm sương, Đường lên Hạnh Phúc, Chủ đất, Ngược dòng thiên di, Mười hai tầng trời.

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ (giữa) cùng các đồng nghiệp trong chuyến tham gia
sáng tác tại Làng Văn hóa
du lịch thôn Lô Lô Chải,
xã Lũng Cú.
Nhà văn Chu Thị Minh Huệ (giữa) cùng các đồng nghiệp trong chuyến tham gia sáng tác tại Làng Văn hóa du lịch thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú.

Có thể nói, việc khai thác những đề tài về vùng cao, cuộc sống của đồng bào các dân tộc đã trở thành “một vùng tâm tưởng” trong sự nghiệp văn chương của chị. Chính vì thế, những biểu tượng văn hóa như khèn Mông, sợi lanh, nhà trình tường, tục lệ cưới xin, tang ma… luôn hiện lên trong các trang văn của chị, thôi thúc độc giả muốn được đến để chạm vào vùng văn hóa độc đáo đó.

Sức hấp dẫn trong các tác phẩm của nhà văn Chu Thị Minh Huệ được các nhà nghiên cứu và phê bình văn học dành cho những nhận xét sắc sảo, đầy trân trọng. Lối văn mang hơi thở đương đại, nhưng lại có chiều sâu lịch sử và văn hóa miền đất, con người. Không chỉ kể chuyện, tác giả còn có xu hướng “ngụp lặn” vào mạch ngầm văn hóa để “giải mã” những khoảng mù sương, những vùng tâm linh, những nỗi niềm không thể nói thành lời của người vùng cao.

Ví như trong tiểu thuyết “Chủ đất” xuất bản năm 2016, tác phẩm này đã gây tiếng vang lớn khi lọt vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2017 - 2018 của Hội Nhà văn Việt Nam, đạt giải B của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2019. Từng chi tiết hiện lên đắt giá, cô đọng và hết sức chân thực, nhân văn. Tác giả cuốn tiểu thuyết được công chúng đặt cho biệt danh “con dâu nhà Vương”, biệt danh mà không phải người cầm bút nào cũng vinh hạnh có được.

Dòng văn đi vào trang sách

Với sự đa dạng trong nội dung, yếu tố văn hóa, nhiều truyện ngắn của nhà văn Chu Thị Minh Huệ không chỉ thu hút người đọc, mà còn được đưa vào chương trình Ngữ văn và tài liệu giáo dục địa phương lớp 12 của tỉnh nhiều năm nay. Đó là minh chứng sinh động cho giá trị tư tưởng, nghệ thuật bền vững trong sáng tác của nhà văn. Đồng thời, thể hiện sự ghi nhận của ngành Giáo dục và Đào tạo đối với những cây bút gắn bó sâu sắc với văn hóa dân tộc thiểu số.

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ (thứ 2 từ phải sang trái)
hòa cùng bản sắc văn hóa
của dân tộc Lô Lô.
Nhà văn Chu Thị Minh Huệ (thứ 2 từ phải sang trái) hòa cùng bản sắc văn hóa của dân tộc Lô Lô.

Em Tống Bảo Thy, Trường THPT Hùng An cho biết: Em đã học tác phẩm của nhà văn Chu Thị Minh Huệ, được phân tích tiểu thuyết “Chủ đất” và truyện ngắn “Sợi lanh dài”. Cả 2 tác phẩm này em đều rất thích, vì có cốt truyện hay, gần gũi, xúc động. Những bài học như vậy đã nuôi dưỡng tâm hồn, khơi dậy niềm tự hào và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho các thế hệ trẻ.

Thạc sỹ Trần Duy Hưng, giáo viên Trường THPT Hùng An nhận định: Sáng tác nào của nhà văn Chu Thị Minh Huệ viết về thiên nhiên, đời sống sinh hoạt của đồng bào cũng thấp thoáng bóng dáng văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số. Các yếu tố đó luôn xuất phát từ chính bản thể vốn có, không lẫn tạp hay làm phai nhạt giá trị truyền thống tốt đẹp cần bảo tồn. Điều làm nên sức sống của các tác phẩm là sự thấu hiểu, không gian của hồi tưởng, ước vọng, gắn liền với nhiều cảm xúc và mang ý nghĩa nhân sinh.

Chảy mãi một dòng văn từ miền biên viễn và đồng sáng lập ra nhóm “Văn trẻ Hà Giang”, chị vẫn miệt mài kết nối, dẫn dắt, góp ý, định hướng cho những cây bút trẻ. Chị cũng là thành viên tích cực của Chi hội Nhà văn Sông Chảy, trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Tại không gian sinh hoạt nghề nghiệp này, chị tiếp tục khẳng định dấu ấn cá nhân qua những tác phẩm đạt giải cao của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Trong chuyện kể về mình, chị nhắn nhủ thêm: Người viết cần bền bỉ, chân phải bước không dừng. Chỉ có như thế tiếng nói, lời văn, cốt truyện, chi tiết mới khiến độc giả tin rằng “tôi nói tiếng nói của đồng bào tôi” là đúng nhất, là đáng tin cậy nhất và hay nhất.

Mộc Lan

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tin-tuc/202507/su-gia-lang-tham-cua-mien-da-a1f1b3d/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm