Giá cao su hôm nay tiếp tục tăng tại Nhật Bản nhưng giảm ở Trung Quốc, thị trường lo ngại tình hình xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia có thể khiến giá tăng thêm. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm.
Giá cao su trên thế giới hôm nay
Tại Nhật Bản, giá cao su đồng loạt tăng. Cụ thể, giá cao su RSS3 hợp đồng giao tháng 8/2025 sàn Tocom - Tokyo ở mức 332 JPY/kg; Hợp đồng giao tháng 9/2025 ở mức 332.7. JPY/kg; Hợp đồng giao tháng 10/2025 ở mức 331.9 JPY/kg; Hợp đồng giao tháng 11/2025 ở mức 331.8 JPY/kg; Hợp đồng giao tháng 12/2025 ở mức 334.8 JPY/kg.
Ngược lại, giá cao su tự nhiên kỳ hạn tháng 8 trên Sàn Thượng Hải (SHFE) Trung Quốc giảm quay đầu giảm gần 1% (150 nhân dân tệ), xuống còn 15.140 nhân dân tệ/tấn.
Tại Singapore, giá cao su TSR20 trên sàn SGX với hợp đồng TSR20 kỳ hạn tháng 8/2025 ở mức 175.90 cent/kg; Hợp đồng TSR20 kỳ hạn tháng 9/2025 ở mức 178.90 cent/kg; Hợp đồng TSR20 kỳ hạn tháng 10/2025 ở mức 180.70 cent/kg; Hợp đồng TSR20 kỳ hạn tháng 11/2025 ở mức 181.00 cent/kg; Hợp đồng TSR20 kỳ hạn tháng 12/2025 ở mức 181.10 cent/kg.
Theo Reuters, giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản ghi nhận tuần tăng thứ sáu liên tiếp, được hỗ trợ bởi lượng mưa kéo dài tại các khu vực sản xuất chủ chốt và tâm lý lạc quan trở lại về các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Bà Farah Miller, nhà sáng lập công ty độc lập chuyên về cao su Helixtap Technologies, cho biết: “Diễn biến tích cực của thị trường kỳ hạn và hoạt động mua theo chiến lược chênh lệch giá, được thúc đẩy bởi đà tăng chung của hàng hóa và tâm lý lạc quan xoay quanh các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc, là yếu tố chính dẫn dắt đà tăng giá cao su gần đây.”
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng những yếu tố cơ bản yếu kém vẫn còn tồn tại, đồng thời cho biết thêm rằng nhiều người đang theo dõi sát tình hình xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, có thể khiến giá cao su tăng thêm, vì Thái Lan là nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, theo trang thông tin tài chính Trung Quốc Tonghuashun Information, thời tiết bất lợi, lượng mưa liên tục gần đây đã góp phần hỗ trợ giá, trong bối cảnh nhu cầu từ các ngành hạ nguồn đang dần cải thiện.
Ở diễn biến khác, đồng USD suy yếu về mức 147,1 yen đổi 1 USD, khiến các tài sản định giá bằng yen trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Giá dầu tăng do tâm lý lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại hỗ trợ triển vọng của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ, bất chấp thông tin về khả năng tăng nguồn cung dầu từ Venezuela.
Cao su tự nhiên thường chịu ảnh hưởng từ giá dầu vì cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp – vốn được sản xuất từ dầu thô.
Tính đến ngày 1/7, tồn kho cao su thiên nhiên của Trung Quốc là 1,295 triệu tấn, tăng 1.800 tấn so với tháng trước, tương đương tăng 0,14%.
Trong khi tại Thanh Đảo, tính đến ngày 20/7, tồn kho cao su thiên nhiên là 505.600 tấn, giảm nhẹ 1.900 tấn so với tháng trước.
Giá cao su trong nước
Giá cao su không ghi nhận biến động mới trong ngày cuối tuần. Theo đó, Công ty Phú Riềng chào giá thu mua mủ tạp ở mức 385 đồng/DRC; giá thu mua mủ nước đạt 415 đồng/TSC.
Tại Công ty Cao su Bà Rịa, giá thu mua mủ nước giữ ổn định ở mức 385 đồng/độ TSC/kg (áp dụng cho độ TSC từ 25 đến dưới 30); mủ đông DRC (35 - 44%) ở mức 12.300 đồng/kg, mủ nguyên liệu ghi nhận 15.300 – 16.500 đồng/kg.
Công ty MangYang báo giá thu mua mủ nước trong khoảng 382- 387 đồng/TSC (loại 2-loại 1); còn mủ đông tạp khoảng 336 – 383 đồng/DRC (loại 2-loại 1)./.
Nguồn: https://baolamdong.vn/gia-cao-su-hom-nay-27-7-tang-tuan-thu-6-lien-tiep-tai-nhat-ban-383900.html
Bình luận (0)