Bà Tán tâm sự, thuở nhỏ bà rất thích mỗi khi thấy bà, mẹ mặc trang phục truyền thống mang từ quê ở xã Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình cũ, nay thuộc tỉnh Phú Thọ) đi lễ đình, chùa. Sau khi biết đo, biết cắt may, bà mượn trang phục truyền thống của mẹ để học may theo, rồi dần dần quen tay và gắn bó với nghề may trang phục dân tộc Mường.
Trang phục của phụ nữ Mường trang nhã, hài hòa, đậm dấu ấn văn hóa Việt cổ. |
Theo bà Tán, về cơ bản một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường có chiếc khăn trắng thắt trên đầu, người Mường gọi là bít trôốc (hoặc mũ); áo ngắn màu trắng được may bằng vải kate có độ dài vừa chấm eo lưng; áo choàng được may bằng vải voan, trong đó áo choàng ngắn thường mặc để đi lễ hội, còn áo choàng dài xuống ngang đầu gối, phía dưới hơi xòe rộng, hai vạt áo buông tự do tạo cảm giác mềm mại thường mặc đi lễ đình, chùa.
Váy của người Mường gồm hai phần chính là cạp váy và chân váy; cạp váy có màu sắc rực rỡ, được dệt thủ công rất công phu và là điểm nhấn làm cho bộ trang phục nổi bật hơn; thân váy màu đen, được khâu nối tạo thành hình ống rộng, ôm sát ngực, phô diễn vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Mường.
Phụ kiện đi kèm với trang phục truyền thống còn có bộ tênh là một loại khăn thắt ở eo, thường làm từ vải đũi màu xanh hoặc vàng, tạo điểm nhấn cho vòng eo và một bộ "xà tích" bằng bạc - một loại trang sức được móc vào bộ tênh từ bên hông. Đối với phần cạp váy và bộ "xà tích" được bà Tán đặt mua ở quê gửi vào.
Nhịp sống thay đổi, người Mường sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng thay đổi trang phục theo hướng đơn giản để thuận tiện cho sinh hoạt, lao động hằng ngày, song vào những dịp đặc biệt, các bà, các chị vẫn chọn trang phục truyền thống.
Đặc biệt, hiện nay hầu như mỗi phụ nữ Mường, từ già đến trẻ đều đặt may ít nhất một bộ trang phục truyền thống để mặc trong những dịp lễ hội. Điều đáng mừng là giới trẻ dân tộc Mường ngày càng yêu thích, trân trọng mặc trang phục truyền thống tham gia các sự kiện của trường, lớp với niềm tự hào đối với văn hóa dân tộc.
Như bà Quách Thị Tỉnh (ở phường Tân Lập) khoe: "Tôi may hai bộ trang phục truyền thống để mặc đi lễ đình chùa, đám cưới". Hay như em Phan Quách Anh Thư, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (phường Tân Lập), là thành viên nhỏ nhất trong đội chiêng Mường (xã Hòa Thắng cũ, nay là phường Tân Lập) cũng được mẹ may trang phục truyền thống để tham gia biểu diễn chiêng. Mỗi lần tham gia biểu diễn, em rất vui và tự hào khi mọi người đến xem, chụp hình cùng toàn đội với trang phục truyền thống của dân tộc Mường.
Phụ nữ dân tộc Mường ở phường Tân Lập với trang phục truyền thống trong các hoạt động văn hóa. |
Mặc trang phục trong các dịp lễ hội là cách mà cộng đồng người Mường trên cao nguyên Đắk Lắk góp phần gìn giữ và tôn vinh truyền thống dân tộc. Đó cũng là động lực để bà Tán yêu quý và gắn bó hơn với nghề. Mỗi bộ trang phục truyền thống được bà Tán cẩn thận chăm chút tỉ mẩn từ lựa chọn chất liệu vải cho đến các công đoạn đo, cắt may, hoàn thiện.
Kim Huế
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202507/gin-giu-trang-phuc-truyen-thong-cua-phu-nu-muong-9ae00e6/
Bình luận (0)