Chị Hồng với tâm huyết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình

Giữa trưa tháng Tư nắng vàng như rót mật, chúng tôi ghé về thôn PaRis - KaVin. Con đường liên thôn như dải lụa mềm uốn lượn quanh bản làng xanh mát bóng cây. Vài người dân trên nương trở về, chiếc gùi nặng trĩu trên lưng chất đầy măng, chuối. Họ thả bước chân trên con đường bê tông rộng rãi vừa được xây mới, là kết quả của những tháng ngày vận động bền bỉ từ chị Hồng và các đoàn thể địa phương.

“Lúc đầu, một số hộ không đồng ý hiến đất làm đường, lo mất đất sản xuất. Nhưng mình nói có đường rộng thì xe mới vào được rẫy, chở ngô, lúa cũng dễ dàng hơn. Thiệt chút đất nhưng lợi trăm bề”, chị Hồng kể. Lời nói từ tâm huyết của người nữ đảng viên 12 năm tuổi Đảng, luôn đi đầu trong các hoạt động tại địa phương, đã thuyết phục được bà con nghe ra, rồi đồng thuận hiến đất. Nữ trưởng thôn còn dẫn chứng, nhiều năm trước, nhiều hộ dân đã hiến hàng trăm mét vuông đất để xây nhà rông truyền thống, như hộ ông Lê Văn Trình. Nhờ vậy mà dân bản có nơi để sinh hoạt, hội họp những khi có hội làng. Nhờ phân tích thấu đáo, thiệt hơn, những hộ ông Hồ Văn Tha, Hồ Văn Mỡ thấy được lợi ích thiết thực, đã đồng thuận hiến đất, mở đường.

Đường nội đồng với chiều dài gần 100 mét cũng đã được 60 hộ dân góp công, góp của xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, vận chuyển nông sản. Các ông: Cu Mơn, Viên Thiêm, Viên Xuân Than, Viên Xuân A Chai… đã hớn hở nói rằng, con đường nội đồng trước đây lầy lội, đi lại rất khó khăn, vất vả, nhờ được xây mới mà lúa ngô sau khi thu hoạch, bà con không còn mất nhiều công nhiều sức để chở về nhà như trước.

Trong những năm làm công tác ở cơ sở, chị Hồng vui nhất là hòa giải thành công vụ việc tranh chấp đất của ông Quỳnh Mực và khu đất nghĩa địa của thôn. Vụ tranh chấp kéo dài nhiều năm, qua mấy đời trưởng thôn vẫn chưa giải quyết được. Với sự chân thành, gần gũi, chị Hồng đã kiên trì thuyết phục, cùng chi bộ, chính quyền xã, tổ hòa giải tháo gỡ từng nút thắt. Chính sự công tâm, không bỏ quên chính sách, quyền lợi của bất kỳ ai đã khiến ông Quỳnh Mực mở lòng, chấm dứt tranh chấp.

Không chỉ năng nổ, đi đầu trong công tác xã hội, người phụ nữ Tà Ôi còn là tấm gương sáng trong lao động sản xuất. Bận rộn chăm sóc 8 sào keo tràm, 3 sào lúa nước, hai hồ cá, thêm gà vịt, nhưng chị Hồng vẫn dành rất nhiều thời gian để thường xuyên tới lui các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, động viên họ tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Nhiều gia đình khó khăn như các hộ: Hải Viên Siêu, Hồ Văn Phê được nhận bò giống, heo giống từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước; được chị Hồng động viên làm chuồng trại, chăm sóc gia súc đúng cách, nên họ đã chăm chỉ làm ăn, không trông chờ ỷ lại.

Ban đêm, khi việc làng, việc xã đã hoàn thành, việc trên nương, trên rẫy cũng đã xong, người nữ cán bộ thôn lại ngồi bên khung cửi dệt Zèng. Với chị Hồng, nghề dệt Zèng không chỉ là sinh kế mà còn là trách nhiệm giữ gìn hồn cốt văn hóa của người Tà Ôi.

Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt, ông A Vô Ta Rô cho biết: Chị Hồ Thị Hồng là nữ trưởng thôn duy nhất trong số 11 thôn của xã. Chị luôn năng nổ, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, là tấm gương điển hình của cán bộ thôn bản vùng cao. Ghi nhận những đóng góp ấy, Đảng bộ huyện A Lưới đã tặng giấy khen cho chị Hồng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu 5 năm liền. “Chính những người như chị Hồng đã góp phần làm nên sức sống mới nơi vùng biên giới A Lưới - nơi Đảng và dân đồng hành, dựng xây nông thôn ngày một khởi sắc”, ông A Vô Ta Rô nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Hà Lê - Quỳnh Anh

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/guong-sang-vung-bien-153558.html