Các lớp học kỹ năng phòng vệ dành cho nữ giới ngày càng nhiều - Ảnh: R.A
Lấy yếu thắng mạnh có tồn tại?
Thật ra, lấy yếu thắng mạnh là khái niệm "chỉ diễn ra trong tiểu thuyết và phim ảnh". Trừ những trường hợp chênh lệch đặc biệt, phụ nữ gần như không có hy vọng đánh thắng người khác giới trong những môn thể thao đối kháng, đặc biệt là võ thuật.
Nhưng giới thể thao và khoa học đặt ra những giả định thiết thực hơn, đó là rèn luyện kỹ năng để phụ nữ có thể nhất thời khống chế nam giới. Trường hợp phổ biến nhất là chống lại những kẻ xâm hại.
Nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực pháp lý, an ninh, nghiên cứu giới và võ học đã chỉ ra rằng: Krav maga và Brazilian jiu-jitsu (BJJ) là hai môn võ thực dụng và hiệu quả nhất mà phụ nữ nên học để bảo vệ chính mình.
Những đòn đánh của krav maga được đánh giá là có hiệu quả cao - Ảnh: R.A
Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức phòng vệ nữ giới tại Mỹ và châu Âu đều tích hợp hai môn này trong chương trình huấn luyện sinh tồn.
Krav maga, môn võ thực chiến ra đời từ quân đội Israel, được thiết kế để giúp người yếu hơn thoát hiểm nhanh chóng bằng những cú đánh ngắn, mạnh và hiểm vào các điểm yếu như mắt, cổ họng, hạ bộ hoặc đầu gối.
Trong khi đó, BJJ – xuất phát từ võ jiu-jitsu (nhu thuật) truyền thống và được phát triển tại Brazil – lại đặc biệt phù hợp với tình huống phụ nữ bị vật ngã, đè xuống sàn, bị khống chế từ phía trên.
Môn võ này dạy cách sử dụng đòn khóa tay, kẹp cổ, bẻ khớp hoặc tạo khoảng cách để lật ngược tình thế.
Khi phối hợp với nhau, Krav Maga và BJJ không chỉ giúp phụ nữ thoát khỏi nguy hiểm tức thì mà còn giữ được thế chủ động trong tình huống tưởng chừng không thể chống cự.
Học võ không để thắng, mà để không trở thành nạn nhân
Tiến sĩ Phyllis Frankl Stowell, nhà nghiên cứu về giới và võ học tại Đại học John F. Kennedy (Mỹ), cho rằng nhiều phụ nữ vốn không quan tâm đến võ thuật vì ngại bạo lực hoặc thiếu tự tin.
Theo bà, các môn võ như Karate hay Taekwondo mang tính biểu diễn hoặc thi đấu, không phù hợp trong những tình huống thực tế như bị kéo vào ngõ tối, bị bóp cổ trong thang máy hay bị khống chế trong phòng kín.
Các kỹ thuật siết, bẻ, khóa của BJJ đặc biệt phù hợp để phụ nữ chống lại kẻ cưỡng hiếp - Ảnh: C.T
Krav Maga và BJJ, ngược lại, cung cấp kỹ năng sống sót mang tính phản xạ, dễ tiếp cận, không phụ thuộc vào thể hình.
“Krav Maga và Jiu-Jitsu không biến phụ nữ thành võ sĩ, mà giúp họ không trở thành nạn nhân", bà nhấn mạnh trong một bài nghiên cứu đăng trên Journal of Martial Arts Studies năm 2019.
Từ góc nhìn pháp lý, giáo sư Sarah Buel – chuyên gia phòng chống bạo lực giới tại Đại học Arizona (Mỹ) – cũng đồng tình rằng phụ nữ khi bị tấn công thường chỉ có vài giây để phản ứng.
Bà phân tích rằng những động tác võ thuật đẹp mắt hay mang tính trình diễn thường không hiệu quả vì nạn nhân không có đủ thời gian hoặc không gian để thi triển.
Thay vào đó, những kỹ thuật đơn giản như siết cổ từ dưới, đạp vào háng, giật cổ tay hoặc dùng đầu gối để húc ngực đối phương lại mang lại khả năng sống sót cao hơn.
Theo bà, Krav Maga và BJJ là hai hệ thống võ thuật hiếm hoi mô phỏng đúng tình huống bị tấn công thực tế, trong đó người phụ nữ có thể bị ép sát hoặc đè xuống sàn.
“Thực tế cho thấy, phụ nữ biết siết cổ hoặc khóa chân sẽ có cơ hội sống sót cao hơn trong những tình huống tưởng như không thể”, bà nói trên Harvard Women’s Law Journal.
Một nghiên cứu khác đến từ tiến sĩ Randy Borum, nhà tâm lý pháp y và chuyên gia an ninh tại Đại học Nam Florida, chỉ ra rằng phần lớn các vụ tấn công nhằm vào nữ giới đều diễn ra đột ngột, không báo trước, với mức độ hung bạo cao và thường bắt đầu bằng hành động khống chế từ phía sau.
Sau khi phân tích hàng trăm đoạn video ghi lại các vụ tấn công thực tế, ông Borum khẳng định rằng phản ứng trong 2 đến 5 giây đầu tiên là yếu tố sống còn.
Khi nạn nhân bị ngã xuống đất, việc biết cách tạo đòn bẩy, dùng hông để xoay người, siết tay hoặc kẹp chân đối phương có thể tạo ra bước ngoặt.
“Krav Maga là phản ứng đầu tiên. BJJ là lựa chọn cuối cùng. Cả hai bổ sung nhau để tạo ra cơ hội sống sót", ông kết luận trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tâm lý & An ninh Quốc gia năm 2020.
Tổ chức phi chính phủ National Self-Defense Institute (NSDI) – đơn vị đã huấn luyện hàng nghìn phụ nữ tại Mỹ – cũng có cùng nhận định.
Các đòn đánh ở tư thế nằm đặc biệt được coi trọng - Ảnh: G.B
Trong cẩm nang huấn luyện phòng vệ xuất bản năm 2021, NSDI khuyến nghị các chương trình tự vệ cho nữ giới nên kết hợp cả kỹ thuật phản đòn cận chiến và chiến đấu khi bị khống chế. Họ cho biết mô hình tích hợp giữa Krav Maga và BJJ giúp phụ nữ phản ứng hiệu quả trong cả hai tình huống: bị tấn công bất ngờ và bị đè xuống sàn.
Một điểm đáng chú ý là cả hai môn võ này đều không yêu cầu học viên có sức mạnh hay kinh nghiệm võ thuật trước đó.
Krav Maga hướng tới việc rèn luyện thói quen phản xạ khi bị bất ngờ – như hét lớn, đấm vào cổ, dùng khuỷu tay hoặc đầu gối để tạo khoảng cách, rồi chạy ngay lập tức.
BJJ ngược lại, đi vào chiều sâu kỹ thuật, hướng dẫn người học cách kiểm soát đối phương khi bị khóa, bị đè hoặc bị cưỡng ép, sử dụng trọng tâm và kỹ thuật đòn bẩy để hóa giải chênh lệch về thể lực. Chính vì thế, nhiều trung tâm tự vệ nữ giới trên thế giới đã lựa chọn đưa cả hai vào chương trình đào tạo cơ bản.
Theo thống kê từ các buổi huấn luyện mô phỏng, tỷ lệ thoát thân thành công của phụ nữ sau 8 đến 12 buổi tập có thể đạt tới 70–80%, nếu được hướng dẫn đúng kỹ thuật.
“Phản xạ đơn giản, đòn đánh hiểm, kiểm soát cơ thể – đó là chìa khóa. Krav Maga và BJJ cung cấp chính xác những điều đó,” NSDI khẳng định.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hai-mon-vo-giup-phu-nu-de-dang-ha-guc-nam-gioi-20250706193640865.htm
Bình luận (0)