Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hải Phòng nâng tầm vị thế, khẳng định vai trò trung tâm logistics miền Bắc

Việc phê duyệt đầu tư xây dựng 4 bến cảng mới tại khu bến Lạch Huyện tạo đòn bẩy mạnh mẽ để Hải Phòng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics miền Bắc.

Báo Hải PhòngBáo Hải Phòng27/07/2025

tau-bien-2.jpg
Bến container số 3 và số 4 đưa vào sử dụng nâng tổng công suất xếp dỡ của Cảng Hải Phòng thêm khoảng 1,35 - 1,5 triệu TEU/năm. Ảnh: LÊ DŨNG

Mở rộng cửa ngõ quốc tế

Cảng nước sâu Lạch Huyện là một phần của cụm cảng Hải Phòng. Kể từ khi bến số 1 và 2 tại Lạch Huyện chính thức đi vào hoạt động năm 2018, Hải Phòng đã từng bước hiện thực hóa giấc mơ có một cảng biển nước sâu hiện đại, có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn mà không cần trung chuyển. Trong quý II vừa qua, các bến số 5, số 6 và bến số 3 và số 4 tại Lạch Huyện chính thức đưa vào khai thác, nâng tổng số bến đang khai thác tại khu bến Lạch Huyện lên 6 bến.

Là khu bến cảng nước sâu đầu tiên ở miền Bắc, Lạch Huyện đủ năng lực đón tàu container sức chở 12.000 TEU và tàu tổng hợp 160.000 DWT. Hàng hóa từ Lạch Huyện vận chuyển đi thị trường quốc tế không phải trung chuyển qua các cảng khu vực như Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore, từ đó rút ngắn thời gian, giảm chi phí logistics và gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Trong tổng thể cụm cảng Hải Phòng, Lạch Huyện có lợi thế vượt trội nhờ vị trí nằm ngoài cửa sông, giao thông kết nối thuận tiện qua đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt và sắp tới là tuyến đường bộ ven biển, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2. Những kết nối này tạo ra hành lang vận tải liên vùng, giúp giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa khu vực miền Bắc.

cang-lach-huyen-1(1).jpg
Khối lượng hàng hóa thông qua khu bến Lạch Huyện liên tục tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: LÊ DŨNG

Khối lượng hàng hóa thông qua khu bến Lạch Huyện liên tục tăng trưởng ấn tượng, nhất là hàng container xuất nhập khẩu trực tiếp đi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các hãng tàu lớn như Maersk, MSC, ONE, CMA-CGM... đã chọn Lạch Huyện là điểm cập tàu thường xuyên. Công tác quản lý nhà nước tại khu bến không ngừng được nâng cao, bảo đảm hoạt động hàng hải diễn ra an toàn, thông suốt, hiệu quả và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế.

Ngày 8/7/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1497/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng bến cảng số 9, 10, 11 và 12 tại khu bến Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 24.846 tỷ đồng, được thực hiện theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2026 - 2030 sẽ xây dựng hai bến số 9 và 10; giai đoạn 2 từ 2031 - 2035 sẽ tiếp tục triển khai hai bến số 11 và 12. Các bến chính có chiều dài 1.800m, khả năng tiếp nhận tàu 12.000 TEU đến 18.000 TEU; kèm theo là bến phụ dài 400m phục vụ tàu feeder và nội địa.

Xây dựng hệ thống bãi chứa container, xưởng sửa chữa, đường giao thông, các công trình phụ trợ cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bảo đảm mọi hoạt động khai thác cảng; đầu tư các thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hoá hiện đại, chuyên dụng phục vụ khai thác cảng; quy mô sử dụng đất (mặt nước) khoảng 146,2 ha.

Trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế

Mục tiêu đầu tư xây dựng 4 bến cảng container số 9, số 10, số 11 và số 12 khu bến Lạch Huyện góp phần hình thành hệ thống cảng biển hiện đại, khả năng tiếp nhận tàu lớn sức chở 12.000 - 18.000 TEU; gắn kết cảng biển lớn với khu phi thuế quan, logistics phía sau cảng, đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa, qua đó nâng cao lợi thế, tạo động lực cho sự phát triển, thu hút đầu tư; khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (hệ thống cảng biển, logistics và khu công nghiệp liền kề sau cảng).

tau-bien.jpg
Các cảng khu bến Lạch Huyện thường xuyên đón tàu lớn cập cảng. Ảnh: LÊ DŨNG

Với việc được phê duyệt thêm 4 bến cảng mới tại khu bến Lạch Huyện, tạo nên cụm cảng có quy mô và năng lực khai thác tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Đây là dấu mốc mới trong tiến trình phát triển cảng biển quốc gia, tạo đòn bẩy để Hải Phòng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics tầm khu vực và quốc tế, nhất là trong bối cảnh Hải Phòng và Hải Dương vừa hợp nhất.

Sự kiện Hải Phòng hợp nhất với Hải Dương tạo ra lực cộng hưởng mạnh mẽ. Với lợi thế là thành phố biển, Hải Phòng sở hữu đầy đủ 5 loại hình giao thông, có vị trí trọng yếu trong vùng duyên hải Bắc Bộ, giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến hành lang ven biển phía Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.

Trong khi đó, Hải Dương là trung tâm công nghiệp, nông nghiệp năng động, với hệ thống khu, cụm công nghiệp phát triển, hàng nghìn nhà máy chế biến, lắp ráp và vùng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn. Sự kết nối giữa năng lực sản xuất chế biến của Hải Dương với hệ thống cảng biển logistics của Hải Phòng sẽ thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại quốc tế.

cang-lach-huyen.jpg
Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) được trang bị thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực khai thác. Ảnh: LÊ DŨNG

Theo ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, trong những năm qua, Hải Phòng đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế, giao thương. Với vị trí cửa ngõ phía bắc, ngày nay, TP Hải Phòng được mở rộng về phía đông, tạo dư địa phát triển, tạo động lực, cơ hội lớn để thu hút đầu tư cho Hải Phòng trong thời gian tới.

HÀ NGA

Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/hai-phong-nang-tam-vi-the-khang-dinh-vai-tro-trung-tam-logistics-mien-bac-417343.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm