
Nhiều khả năng là tàu truyền thống biển Đông
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, quá trình điền dã dân tộc học và khảo cổ học cho thấy vị trí tàu trên bờ biển Cẩm An xưa kia nằm dưới một đồi cát ven biển, cạnh con đường đất đỏ được người Pháp xây dựng. Dấu vết con đường này ngày nay nhiều đoạn gần vị trí con tàu hầu như không còn do hiện tượng biển xâm thực.
Thông qua các bản đồ, ảnh vệ tinh trong nhiều thời kỳ và ký ức của nhiều người dân địa phương, một mặt cho thấy rõ xu hướng từ thế kỷ XX đến nay biển xâm thực ngày càng mạnh, mặt khác còn xác nhận vị trí con tàu xưa kia không chỉ nằm sâu dưới đồi cát mà vào năm 1905 có thể con tàu cách mép nước khoảng 700 - 800m.
Vì thế, dù con tàu này bị đắm hay bỏ hoang, thì thời điểm con tàu bị đắm hay bỏ hoang nhiều khả năng sớm hơn năm 1905 chí ít cũng vài thế kỷ. Kết quả phân tích cho thấy nhiều khả năng vị trí con tàu xưa nằm trong khu vực biển, không phải sông ngòi.

Báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp với Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) thực hiện nhận định, tàu đắm tại Cẩm An là tàu có thiết kế truyền thống Biển Đông. Đây là kiểu tàu tích hợp kỹ thuật đóng tàu truyền thống Đông Nam Á và truyền thống Trung Quốc.
Đến nay, ở vùng biển Đông Nam Á đã phát hiện hơn 20 con tàu đắm được xác định là kiểu tàu truyền thống Biển Đông, hay còn gọi là tàu lai, có niên đại giữa thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI.
Do con tàu chưa xuất lộ đầy đủ cho nên kích thước toàn thể của con tàu chỉ có thể xác định chính xác trong nghiên cứu ở tương lai và nhiều khả năng con tàu này sẽ dài khoảng 17,8m.
Chiếc tàu đắm này là bằng chứng vật chất độc đáo, sống động minh chứng cho một thời kỳ thương mại nhộn nhịp ở Biển Đông. Trong đó, vùng biển Hội An nhiều thế kỷ giữ vị trí chiến lược trên tuyến đường hàng hải quốc tế kết nối Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Nam Á và phương Tây, đồng thời là một phần của “Con đường thương mại trên biển”.
Vẫn chưa xác định niên đại
Tuy còn khác biệt quan điểm về giới hạn niên đại dưới hay thời gian bắt đầu xuất hiện kiểu tàu này vào giữa thế kỷ XIV, cuối thế kỷ XIV hay thế kỷ XV, song giới hạn niên đại trên hay niên đại muộn nhất của kiểu tàu này ở Đông Nam Á đều dừng ở thế kỷ XVI.

Qua các bằng chứng lịch sử, truyền miệng, bản đồ, ảnh vệ tinh nhiều thời kỳ, có thể khẳng định vị trí phát hiện con tàu vào năm 1905 là đất liền, cách mép nước khá xa, khoảng 700 - 800m.
Đồng thời kết quả phân tích bào tử phấn hoa bước đầu cho thấy thời điểm tàu bị đắm hay bỏ hoang khi ấy là nằm trong khu vực biển, không phải sông ngòi. Những điều này không chỉ xác nhận tính chất cổ xưa của tàu đắm tại Cẩm An mà có thể ước đoán niên đại tàu, nhiều khả năng sớm hơn năm 1905, thậm chí có thể có niên đại vài trăm năm.
Được biết, cơ quan chuyên môn chưa nhận được kết quả xác định niên đại C14 của con tàu đắm tại Cẩm An từ Trung tâm Hạt nhân TP.Hồ Chí Minh. Kết quả niên đại C14 của con tàu được kỳ vọng sẽ có trong năm 2025.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, chưa thể khẳng định chắc chắn đây là tàu cổ mà mới chỉ là giả thuyết và chờ báo cáo, kết quả xác định chính thức. Sở đã giao nhiệm vụ khai quật con tàu này cho TP.Hội An, tuy nhiên đến nay vì một số lý do nên cơ quan chức năng đang thận trọng, khi nào có đủ điều kiện thì mới tiến hành khai quật con tàu này.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trước mắt cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ con tàu; đồng thời cần lập kế hoạch, giải pháp chi tiết cho công tác khai quật và bảo tồn con tàu cùng các hiện vật thu thập được nhằm đảm bảo tính gốc và nguyên vẹn của con tàu cùng các hiện vật được thu thập.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/he-mo-ve-lai-lich-tau-dam-o-bo-bien-cam-an-3154227.html
Bình luận (0)