- Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật về khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là từ khi tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia?
- Thời gian qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH&CN cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo và CĐS đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Tiềm lực KH&CN được tăng cường, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Các tổ chức KH&CN công lập được tổ chức, sắp xếp lại và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng tinh gọn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả tích cực; đã làm chủ và chuyển giao thành công nhiều quy trình, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, phục vụ hiệu quả quá trình CNH, HĐH.
Các nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ định hướng phát triển KT-XH của từng ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoạt động CĐS đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị được ban hành và triển khai, tỉnh Quảng Trị đã có những bước đột phá rõ rệt trong tư duy và hành động, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các chính sách KH&CN trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết 57-NQ/TW là bước đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, cho phép tỉnh tập trung đầu tư mạnh vào KH&CN, nâng cao hạ tầng số và chất lượng đầu ra. Lần đầu tiên, Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao. Tỉnh xác định KH&CN, đổi mới sáng tạo và CĐS là động lực then chốt để bứt phá, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và đạt hai con số giai đoạn 2026-2030.
Để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, tỉnh Quảng Trị đã cụ thể hóa bằng 10 mục tiêu trọng điểm đến năm 2030, nổi bật như: Tỉ trọng TFP đạt 55%, kinh tế số chiếm 20% GRDP, 100% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, 40% có hoạt động đổi mới sáng tạo, 80% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt; hình thành 2-3 sản phẩm công nghệ chủ lực và thu hút dự án công nghệ cao; phủ sóng 5G toàn tỉnh.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW, tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương, chủ động triển khai thực hiện với nhiều văn bản chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 144 và thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS. UBND tỉnh cũng đã ban hành các kế hoạch trọng tâm nhằm triển khai nghị quyết, nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), tổ chức phong trào “Bình dân học vụ số”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Tỉnh đã chỉ đạo cụ thể hóa các chính sách theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm, phù hợp với tinh thần đột phá của Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội, đồng thời giao các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng, trình ban hành các chính sách phù hợp thực tiễn của địa phương. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh.
Tọa đàm “Định hướng, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 - Ảnh: HẢI YẾN
Ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Quảng Trị đã xác định rõ việc nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy là điều kiện tiên quyết để phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và CĐS. Các nghị quyết, kế hoạch hành động của trung ương, của tỉnh được tuyên truyền sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân. Nhiều chuyên trang, chuyên mục trên báo chí, nền tảng số được tăng cường.
Phong trào “Bình dân học vụ số” được phát động toàn tỉnh, lan tỏa mạnh mẽ đến cơ sở, đặc biệt chú trọng vùng sâu, vùng xa. Tỉnh cũng đã tổ chức đào tạo AI, ChatGPT cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Tổ chức ngày thứ 7 chuyển đổi số để đưa phong trào CĐS về các địa phương.
Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động 115 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 715 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với tổng số 4.327 thành viên. Đồng thời xây dựng Đề án đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ CĐS trong cơ quan nhà nước. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chính thức hoạt động, họp phiên đầu tiên và hoàn thiện quy chế để triển khai đồng bộ Nghị quyết 57.
Quảng Trị xác định hạ tầng và nguồn lực là yếu tố then chốt thúc đẩy KH&CN, đổi mới sáng tạo và CĐS. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đưa chỉ số PCI vào top 30 cả nước năm 2025.
Một số dự án lớn đang được xúc tiến, tiêu biểu là chuỗi sản xuất vật liệu bán dẫn từ cát trắng silic tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Về hạ tầng số, 100% xã có kết nối cáp quang, mạng truyền số liệu chuyên dùng phủ toàn bộ các cơ quan nhà nước, 92,7% hộ dân sử dụng điện thoại thông minh, hơn 103% dân số có truy cập Internet và 81% có tài khoản thanh toán điện tử. Đây là nền tảng vững chắc để CĐS toàn diện.
Thời gian qua, Quảng Trị đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo và CĐS. Trong lĩnh vực hành chính công, tỉnh đã cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện ở mức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; toàn bộ báo cáo định kỳ được thực hiện qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; từng bước quản lý nhà nước trên môi trường số.
Về doanh nghiệp, tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ và CĐS, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp KHCN và đang hỗ trợ thêm 2 doanh nghiệp mới hình thành. Quảng Trị cũng có 829 doanh nghiệp công nghệ số, 100% sử dụng hóa đơn điện tử và đang khai thác hiệu quả Sàn thương mại điện tử quangtritrade.gov.vn, giúp doanh nghiệp kết nối thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đây là những kết quả bước đầu hết sức quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, thể hiện quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và sự đồng hành mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong công cuộc CĐS và phát triển bền vững.
- Đối với tỉnh Quảng Trị, một khi đã xác định rõ KH&CN là đòn bẩy để hỗ trợ phát triển KT-XH, vậy theo đồng chí tỉnh Quảng Trị cần phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế nói chung và thúc đẩy KH&CN, CĐS nói riêng phát triển đúng mục tiêu và yêu cầu đặt ra?
- KH&CN, đổi mới sáng tạo và CĐS đang là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Với tinh thần triển khai quyết liệt, đồng bộ, kiên trì và lâu dài, tỉnh Quảng Trị xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm và động lực phát triển; Nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt. Tỉnh Quảng Trị cần triển khai đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
1. Phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng Đề án phát triển nhân lực đến năm 2030, định hướng đến 2035. Xây dựng dữ liệu chuyên gia, thiết lập kênh kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để đẩy mạnh liên kết nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS của doanh nghiệp. Tỉnh cũng sẽ xây dựng lực lượng chuyên trách KHCN, đổi
mới sáng tạo và CĐS, lồng ghép vào Tổ chuyển đổi số cộng đồng ở cấp xã.
2. Chuyển đổi số. Tập trung đầu tư hạ tầng số hiện đại. Nâng cao nhận thức và khơi dậy tinh thần sẵn sàng thay đổi trong cán bộ, doanh nghiệp và người dân. Tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ như AI, IoT, Big Data. Phát triển chính quyền số gắn với Trung tâm điều hành thông minh, nâng cao hiệu lực quản lý. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số trong văn hóa, du lịch và bảo vệ môi trường.
3. Đổi mới sáng tạo. Tỉnh tập trung hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp trong từng lĩnh vực. Đẩy mạnh đào tạo quản lý, tư vấn công nghệ, kết nối doanh nghiệp dùng chung hạ tầng và dữ liệu.
Liên kết hệ sinh thái vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tận dụng lợi thế nông nghiệp-kinh tế biển. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, mô hình kinh doanh, đầu tư làm chủ công nghệ. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển dịch vụ số giá trị cao như du lịch, logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện cho địa phương.
4. Cơ cấu nhiệm vụ KHCN hợp lý. Tỉnh tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ năng lượng mới, sạch và thân thiện với môi trường, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chủ lực, có tiềm năng và lợi thế so sánh. Các nhiệm vụ khoa học đều được thiết kế gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, có địa chỉ ứng dụng rõ ràng. Đồng thời, các ngành, địa phương chủ động xây dựng chiến lược KHCN, ĐMST và CĐS theo định hướng của tỉnh, phù hợp với đặc thù và thực tế địa phương.
5. Phát triển công nghệ sinh học. Chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông lâm sản, bảo tồn giống quý và cải tạo đất. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% người dân sẽ tiếp cận và ứng dụng công nghệ sinh học, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
6. Thúc đẩy hoạt động KHCN và ĐMST trong doanh nghiệp. Thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học và CĐS. Tỉnh kỳ vọng xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo đột phá trong phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương.
Với cách tiếp cận tổng thể, linh hoạt và tầm nhìn chiến lược, tôi tin tưởng rằng tỉnh Quảng Trị sẽ từng bước hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS phát triển mạnh mẽ, bền vững, có khả năng thích ứng cao, trở thành động lực then chốt đưa tỉnh Quảng Trị bứt phá trong kỷ nguyên số.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hồ Nguyên Kha (thực hiện)
Nguồn: https://baoquangtri.vn/hinh-thanh-he-sinh-thai-khoa-hoc-cong-nghe-don-bay-dua-quang-tri-but-pha-trong-ky-nguyen-so-193910.htm
Bình luận (0)