Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoàn thiện Luật Thương mại điện tử:

Những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ, là động lực cho kinh tế số tăng trưởng, song cũng bộc lộ nhiều khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Hà Nội MớiHà Nội Mới26/07/2025

Trong bối cảnh đó, dự thảo Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương xây dựng, đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi, được kỳ vọng sẽ thiết lập khung pháp lý đồng bộ, minh bạch cho "sân chơi" tỷ đô này phát triển bền vững.

ban-hang.jpg
Pháp luật hiện hành cần điều chỉnh các hình thức thương mại điện tử mới như livestream (trong ảnh). Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Tăng trưởng nhanh nhưng nhiều bất cập

Theo Bộ Công Thương, những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18-25% mỗi năm. Quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD trong năm 2024, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước và giúp Việt Nam lọt tốp 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. "Sân chơi" tỷ đô này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, với quy mô có thể đạt 63 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh đánh giá, bên cạnh tốc độ tăng trưởng nhanh, quản lý thương mại điện tử cũng tồn tại nhiều bất cập. Đó là tình trạng hàng giả, gian lận thương mại và thất thu thuế diễn biến phức tạp. Một số mô hình mới như thương mại điện tử qua livestream (phát trực tiếp), kinh doanh qua mạng xã hội, sàn giao dịch xuyên biên giới chưa được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật hiện hành, gây khó khăn trong kiểm soát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trên thực tế, các mạng xã hội đã trở thành sàn thương mại điện tử không chính thức, nhiều đối tượng đã lợi dụng tính ẩn danh, thiếu kiểm soát của mạng xã hội để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, thực hiện hành vi gian lận thương mại. Phổ biến là rao bán sản phẩm gắn mác hàng hiệu nhưng thực tế lại là hàng giả; lợi dụng chính sách giao hàng nhanh, thu hộ để bán hàng lậu, hàng vi phạm…

Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thanh Bình thông tin, một trong những khó khăn của lực lượng quản lý thị trường là kiểm tra, xử lý hàng giả, không có nguồn gốc trên thương mại điện tử. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng thông qua thương mại điện tử ngày càng cao, trong khi ý thức của người dân về chống hàng giả trên môi trường này còn hạn chế. "Do đó, chống hàng giả trên thương mại điện tử tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên, song cũng đầy thách thức đối với các cơ quan chức năng thời gian tới", ông Nguyễn Thanh Bình nêu.

Nhiều điểm mới sát thực tế

Để khắc phục những bất cập nêu trên và nhằm định hình hành lang pháp lý cho thương mại điện tử Việt Nam, Bộ Công Thương được giao tham mưu soạn thảo Luật Thương mại điện tử để Chính phủ trình Quốc hội. Trong sửa đổi mới nhất, dự thảo Luật Thương mại điện tử được xây dựng với 7 chương, 55 điều.

Đáng chú ý, dự thảo luật mới này hướng đến 2 trụ cột chính là tăng cường quản lý nhà nước về thương mại điện tử nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống thất thu thuế, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và phát triển thương mại điện tử xanh, bền vững, tạo sự cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, nhiều điểm mới được giới chuyên gia đánh giá cao trong dự thảo luật. Tiêu biểu như việc đề xuất xử lý khiếu nại trong 24 giờ, tăng trách nhiệm nền tảng số nhằm bảo vệ người tiêu dùng và tạo môi trường giao dịch minh bạch. Trong đó, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đặt ở vị trí trung tâm, đòi hỏi các chủ thể kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật liên quan, kể cả khi hoạt động trên không gian mạng.

Một điểm mới nữa là dự thảo luật đã dành hẳn một điều khoản để định hướng cụ thể hành vi thương mại điện tử xanh, bền vững trong bối cảnh hướng tới nền thương mại không dấu chân carbon và giảm phát thải. Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung quy định các nền tảng thương mại điện tử không có hiện diện tại Việt Nam nhưng có hoạt động thực tế tại thị trường nội địa buộc phải ủy quyền pháp nhân hoặc thành lập pháp nhân tại Việt Nam…

Từ góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Hải Vân (phường Bồ Đề, thành phố Hà Nội) cho biết, nếu Luật Thương mại điện tử mới khắc phục được vấn đề định danh người bán, chắc chắn việc truy vết bên bán hàng để xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, từ đó bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng tốt hơn.

Còn ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhấn mạnh: "Tôi đồng tình khi luật làm rõ khái niệm về công nghệ mới có ảnh hưởng đến giao dịch điện tử, đồng thời quy định rõ vai trò, trách nhiệm pháp lý và quyền lợi của các bên tham gia. Đặc biệt cần định danh, xác thực rõ sản phẩm, dịch vụ và giao dịch nhằm tăng tính pháp lý, bảo vệ quyền lợi các bên trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu”.

Dự kiến, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ mười diễn ra vào tháng 10 tới đây.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/hoan-thien-luat-thuong-mai-dien-tu-dinh-hinh-hanh-lang-phap-ly-cho-san-choi-ty-do-710532.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm