Trượt học sinh giỏi vì môn âm nhạc, bà nội gọi điện mắng giáo viên
Cuối năm học trước, cô Dương bị bà nội của học sinh gọi điện "mắng" gần 20 phút vì đã để cho cháu bà không được học sinh giỏi.
Nguồn cơn bức xúc của bà là tờ phiếu điểm toàn 9, 10 của cháu nội ở tất cả các môn từ toán, tiếng Việt, tiếng Anh đến tin học, công nghệ, khoa học, lịch sử và địa lý, nhưng phần đánh giá kết quả ghi hai chữ: Hoàn thành. Lý do là học sinh phải thi lại môn âm nhạc.
Bà được giải thích rằng, hoàn thành tức là không có danh hiệu khen thưởng gì, chỉ hoàn thành xuất sắc mới là học sinh giỏi. Vì không tin, bà gọi điện cho cô Dương chất vấn. Sau khi được cô Dương giải thích lại một lần nữa, bà nổi giận, không chấp nhận được cách đánh giá của giáo viên.
"Không chỉ người già, nhiều phụ huynh trẻ tuổi cũng không chấp nhận được việc con họ toàn 9, 10 điểm mà "trượt" học sinh giỏi. Thậm chí có phụ huynh nói thẳng nghi ngờ của họ, rằng có phải cô giáo dạy môn âm nhạc, thể dục "trù" con họ hay không", cô Dương chia sẻ.
Theo cô Dương, phần đông phụ huynh vẫn phân biệt môn chính môn phụ. Những môn học đánh giá bằng nhận xét thay cho điểm số càng bị xem là "phụ".
Nhiều trường hợp phụ huynh cho rằng giáo viên "môn phụ" thích nhận xét thế nào cũng được, thích cho "tốt" hay cho "hoàn thành" đều được vì không có bằng chứng như những môn học làm bài thi trên giấy và tính điểm.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, phụ huynh chia sẻ nhiều về câu chuyện điểm toàn 9, 10 vẫn "trượt" học sinh giỏi. Trong đó, một số bình luận phổ biến giải thích cho việc này ở góc độ thiếu tích cực như: "Vì bố mẹ quan hệ không tốt với cô", "vì mẹ không xin xỏ gì", "vì con không đi học thêm cô"...
"Quy định đánh giá học sinh tiểu học có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng. Nhưng thay vì đọc Thông tư để nắm chắc quy định, nhiều phụ huynh lý giải theo hướng tiêu cực và cảm tính.
Việc một học sinh toàn 9, 10 nhưng không được "học sinh giỏi" cần được xem là điều hoàn toàn bình thường. Có phụ huynh không cần con phải toàn diện nên cho con học tập trung một số môn và bỏ qua một số môn.
Có những phụ huynh lại muốn con toàn diện, môn học nào cũng đồng hành để con đạt kết quả tốt nhất. Đó là sự lựa chọn của mỗi gia đình và năng lực của mỗi học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Thành Công B trong lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: Thu Thu).
Học sinh hoàn thành tốt tất cả các môn học, hoạt động giáo dục phải được đánh giá khác với những học sinh chỉ hoàn thành tốt một số môn nhất định. Như vậy mới là công bằng.", cô Dương bày tỏ.
Học sinh tiểu học được đánh giá "học sinh giỏi" khi nào?
Ở cấp tiểu học, từ năm 2006 đến nay, khái niệm "học sinh giỏi" không còn được sử dụng. Khái niệm có thể xem tương đương với "học sinh giỏi" theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 là "hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện".
Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học được đánh giá ở 4 mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Thông tư 27 quy định, học sinh được đánh giá là hoàn thành xuất sắc khi có kết quả đánh giá các môn đạt mức hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên.
Học sinh được đánh giá là hoàn thành tốt khi chưa đạt mức hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn đạt mức hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên.
Học sinh được đánh giá là hoàn thành khi chưa đạt mức hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn đạt mức hoàn thành tốt hoặc hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt hoặc đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên.
Những trường hợp còn lại đánh giá ở mức chưa hoàn thành.
Cuối năm học, học sinh hoàn thành xuất sắc sẽ được nhà trường khen thưởng danh hiệu Học sinh xuất sắc.
Học sinh hoàn thành tốt chỉ được khen thưởng danh hiệu Học sinh tiêu biểu khi có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực và được tập thể lớp công nhận.
Nội dung đánh giá định kỳ học sinh tiểu học bao gồm các môn học, hoạt động giáo dục và phẩm chất, năng lực.
Trong đó, ngoài những môn học đánh giá bằng điểm số và nhận xét, giáo viên còn phải đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi như: lòng yêu nước, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hoc-ba-toan-10-van-truot-hoc-sinh-gioi-phu-huynh-buc-xuc-co-chinh-dang-20250520221043611.htm
Bình luận (0)