Hiện toàn tỉnh có 118/132 xã nông thôn mới.
Đột phá về hạ tầng
Hạ tầng được xem là trục xương sống trong chiến lược phát triển của tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 105.000 tỷ đồng, tập trung cho các công trình giao thông huyết mạch, thủy lợi, hạ tầng công nghiệp, đô thị. Nhiều dự án trọng điểm cấp quốc gia và cấp tỉnh được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu ứng lan tỏa rõ rệt.
Tiêu biểu, Dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng đang được thi công vượt tiến độ, đã hợp long cầu chính dây văng vào ngày 30-4-2025, dự kiến thông xe đúng dịp Quốc khánh 2-9-2025. Các tuyến đường bộ ven biển, cầu Ba Lai 8, tuyến tránh Phước Mỹ Trung, cùng hàng loạt dự án giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, góp phần phá thế “vùng trũng” hạ tầng của tỉnh.
Ở lĩnh vực thủy lợi - phòng chống xâm nhập mặn, hệ thống Bắc - Nam Bến Tre cơ bản hoàn thành. Các công trình trạm bơm nước thô, hồ chứa nước Lạc Địa và hệ thống cấp nước các vùng trọng điểm đang được đẩy mạnh thi công. Các dự án này không chỉ đảm bảo an ninh nguồn nước, mà còn nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh toàn vùng.
Nông nghiệp công nghệ cao
Xác định hướng đi chủ lực là phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, hơn 4 năm qua, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất tập trung, với diện tích gần 4 ngàn héc-ta nuôi tôm công nghệ cao, đạt gần 95% kế hoạch. Cùng với đó là hệ thống hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông được đầu tư đồng bộ phục vụ sản xuất chuyên canh.
Sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, cây giống - hoa kiểng… được tổ chức lại theo chuỗi giá trị, hình thành mã số vùng trồng, áp dụng các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, VietGAP và truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 26.900ha sản xuất đạt chuẩn chất lượng cao. Các mô hình liên kết theo chiều ngang - dọc ngày càng lan rộng, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được đẩy mạnh song hành, với 118/132 xã đạt chuẩn, vượt kế hoạch trước 1 năm. 19 xã được công nhận NTM kiểu mẫu; huyện Mỏ Cày Nam, Chợ Lách đạt chuẩn huyện NTM; các huyện còn lại đang hoàn tất hồ sơ công nhận trong năm 2025.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh: “Việc huy động được nguồn lực cho hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp tỉnh vượt qua thách thức hạn mặn và biến đổi khí hậu, mà còn tạo nền móng vững chắc để phát triển kinh tế số, nông nghiệp xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo tồn tài nguyên và môi trường sống”.
Phát triển năng lượng sạch
Một trong những thành tựu nổi bật khác là bước tiến dài trong phát triển năng lượng tái tạo. Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, năng lượng sạch tại tỉnh đang thu hút mạnh dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tỉnh được phê duyệt công suất điện gió (lũy kế) được phát triển đến năm 2030 là 1.100MW (tăng 93MW so với công suất đã được phê duyệt trước đó (năm 2020)). Đến nay, tỉnh đã được phê duyệt 22 dự án điện gió, với tổng công suất hơn 1.100MW. Trong đó, 9 dự án đã hoàn tất lắp đặt tua-bin, đóng điện hòa lưới hơn 250MW, góp phần bổ sung nguồn điện quốc gia và nâng cao tính tự chủ năng lượng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống truyền tải điện 110kV, 220kV, 500kV đang được đồng bộ hóa để giải tỏa công suất và bảo đảm vận hành ổn định.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, việc triển khai thành công các dự án điện gió sẽ tạo cú hích mới cho phát triển công nghiệp xanh, thu hút các ngành công nghệ cao, chế biến sâu vào khu vực ven biển của tỉnh. Từ đó, tạo ra các cột mốc tăng trưởng mới, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển năng lượng bền vững của cả nước.
“Với những nền tảng đã được xây dựng, Đề án số 03-ĐA/TU đã chứng minh hiệu quả và tính cấp thiết trong tổ chức huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, tỉnh cần tiếp tục linh hoạt, đổi mới tư duy trong hoạch định chiến lược, khơi thông cơ chế, tạo lập môi trường đầu tư cởi mở, minh bạch, ổn định. Có như vậy, những trụ cột về hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và năng lượng sạch mới thực sự trở thành bệ phóng cho tỉnh trong tương lai phát triển theo hướng xanh và bền vững”. (Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn) |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/huy-dong-cac-nguon-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-28052025-a147303.html
Bình luận (0)