
KHI ĐẠI DƯƠNG SÓNG SÁNH CÙNG NGÀN THÔNG
Lâm Đồng và Bình Thuận nhiều năm trước đã thiết lập chiến lược nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch độc đáo của hai địa phương, tạo ra sản phẩm du lịch “một hành trình - hai điểm đến” nối biển và hoa, mang tính bổ trợ và hấp dẫn cao… Mối liên kết này đã được xây dựng và củng cố qua nhiều năm, nhưng trong bối cảnh “Lâm Đồng mới” và sự phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hành trình nối biển và hoa càng trở nên mạnh mẽ và hứa hẹn bứt phá, với không gian trải rộng từ biên giới đến hải đảo. Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, du khách giờ đây không chỉ đến Đà Lạt để thưởng ngắm sương mây, hoa cỏ và thông xanh… qua nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch cộng đồng để khám phá các nét văn hóa đặc trưng của vùng…; đến Phan Thiết để tắm biển và trải nghiệm các hoạt động trên mặt nước hay bờ cát; đến Đắk Nông được khám phá địa hình, địa mạo Công viên địa chất UNESSCO…; mà còn có cơ hội trải nghiệm sự đa dạng hiếm có các sản phẩm du lịch, với nhiều khu nghỉ dưỡng 5 sao, resort cao cấp, khách sạn boutique độc đáo. Cùng với đó là nhiều sự kiện đặc trưng: Festival hoa, lễ hội văn hóa - du lịch, lễ hội biển…, các sân golf đẳng cấp, khu giải trí phức hợp, và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đang có chủ trương kêu gọi đầu tư.

Trước đây, ai cũng biết biển Lâm Đồng chỉ là “biển mây” mênh mông khi đứng trên đỉnh Lang Biang, biển nước xanh ngắt của hồ Tuyền Lâm phản chiếu trời xanh, nhấp nhô sóng biển nhân tạo trong Khu du lịch Prenn… Và từ nay, Lâm Đồng sẽ được biết tới với vùng biển bao la Bình Thuận có chiều dài hơn 190 km; nổi bật bởi sự đa dạng về địa hình và cảnh quan, tạo nên một bức tranh thiên nhiên phong phú và quyến rũ của nhiều bãi biển đẹp, lặng sóng, cát mịn, nước trong xanh, như Mũi Né, Hòn Rơm, Bãi Rạng, Kê Gà, La Gi… lý tưởng cho các hoạt động tắm biển, nghỉ dưỡng. Những đồi cát độc đáo đặc trưng nổi bật nhất của Bình Thuận, như: đồi Cát Bay (đồi cát đỏ) và Bàu Trắng (đồi cát trắng) có hình dáng thay đổi liên tục tạo nên khung cảnh như sa mạc, rất thu hút khách du lịch tham gia các trò chơi trượt cát, mô tô địa hình, chụp ảnh... Hay các ghềnh, vách đá hoang sơ, nhấp nhô ở Vĩnh Hảo, Bình Thạnh tạo nên cảnh quan độc đáo, hoang sơ và kỳ vĩ; mũi Kê Gà với ngọn hải đăng cổ kính cũng là một điểm nhấn kiến tạo từ đá.
Hành trình từ biên giới đến đảo xanh không còn xa, khi mà Lâm Đồng mới trở nên độc đáo hơn khi tạo nên một bản giao hưởng sinh thái ba tầng của cao nguyên - trung du - duyên hải; là tài nguyên phát triển đầy đủ các loại địa hình du lịch phù hợp cho các hành trình trải nghiệm, khám phá… với thời gian không chỉ 2 - 3 ngày mà có thể kéo dài 2 - 3 tuần từ biên giới đến hải đảo, từ đồng bằng lên miền núi. Không chỉ là Prenn, Núi Bà, hồ Xuân Hương, Tuyền Lâm, Đam Bri, Pongour thơ mộng ở Lâm Đồng; Bình Thuận vẫn nổi tiếng với các địa danh đảo Phú Quý, cù Lao Câu, Hòn Bà La Gi… đang nỗ lực giữ gìn hệ sinh thái biển đa dạng và nhiều loài hải sản quý; Đắk Nông - chủ nhân của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO rộng 4.760 km2, trải dài trên các địa danh Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và Gia Nghĩa… với các giá trị tiêu biểu về hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước, khảo cổ, đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Tất cả đang hội tụ và tạo nên diện mạo tươi sáng trên đất Lâm Đồng mới.

ĐƯỜNG LỚN ĐÃ MỞ CHO SỰ GIAO HÒA VÀ THỊNH VƯỢNG
Hạ tầng giao thông nội tỉnh Lâm Đồng mới đang được nỗ lực kết nối đồng bộ không chỉ giúp du khách dễ dàng tiếp cận Lâm Đồng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các tour liên kết các điểm đến vùng, miền khác. Bên cạnh đó, chủ trương khôi phục và phát triển tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm nhằm hình thành một sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính hoài niệm và trải nghiệm cao; đồng thời, phát triển các tour liên kết với các điểm đến nổi tiếng khác của Việt Nam và khu vực, như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Campuchia, Thái Lan…
Lâm Đồng giờ đây không chỉ là điểm cuối cao nguyên, mà đang trở thành ngã ba chiến lược của liên kết vùng Đông Nam bộ - duyên hải Nam Trung bộ và Campuchia… Du lịch Lâm Đồng từ “thành phố không biển” trở thành trạm trung chuyển xanh cho du khách từ biển Nha Trang, Vũng Tàu đổ về cao nguyên. Nông nghiệp Lâm Đồng không chỉ có hoa - rau, cà phê, tiêu, điều, mắc ca, sầu riêng, bơ; mà còn có thanh long, nho… Lâm Đồng không chỉ có rừng là tài nguyên carbon xanh, mà còn có biển là cửa ngõ xuất khẩu nông sản công nghệ cao… Lâm Đồng hôm nay có đủ 54 dân tộc Việt Nam hội tụ chung sống, từ người Kinh đến người M’nông, Êđê, Raglai, Chăm, K’Ho, Mạ, Churu… với những bản sắc riêng có, cùng tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu, phong phú ẩm thực, giàu nghệ thuật truyền thống, cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ vùng trời, vùng biển và xây dựng, phát triển quê hương.

“Lịch sử đang trao cho tỉnh Lâm Đồng mới những tiềm năng, nguồn lực và cơ hội chưa từng có để phát triển, vì vậy cần phải nắm bắt, có chiến lược đúng đắn để biến cơ hội, nguồn lực và lợi thế thành kết quả phát triển cụ thể, cải thiện đời sống của Nhân dân”. Đúng như lời Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, rừng và biển không còn xa ngái, mà đang được kết nối bằng hạ tầng, bằng du lịch sinh thái liên vùng, bằng kinh tế xanh; và trên hết là sự đầu tư đúng hướng, có tầm nhìn chiến lược, và sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp, Nhân dân. Lâm Đồng hoàn toàn có thể bứt phá, trở thành một điển hình phát triển trong thời gian tới.
Nguồn: https://baolamdong.vn/khi-rung-bien-giao-hoa-381218.html
Bình luận (0)