Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ðòn bẩy từ vốn ưu đãi

Chính sách tín dụng ưu đãi từ Đề án 1902 của UBND tỉnh Lâm Đồng về “Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đang mở ra hướng đi thiết thực cho thanh niên trong hành trình lập thân, lập nghiệp tại chính quê hương mình. Không chỉ hỗ trợ về nguồn lực tài chính, đề án còn khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, gắn bó với nông nghiệp hiện đại và nông thôn mới kiểu mẫu, nơi thanh niên là lực lượng trung tâm tạo ra những chuyển biến tích cực tại cơ sở.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng05/07/2025

z6775133066823_a280dd63a0be1030152f13cd7af9386a.jpg
Hoạt động hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Chị Bùi Thị Phương Thảo, một đoàn viên trẻ tại xã Ka Đô là một trong những trường hợp điển hình được tiếp cận nguồn vốn từ Đề án 1902. Năm 2024, chị được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Đơn Dương giải ngân 200 triệu đồng để đầu tư sản xuất rau công nghệ cao. Trên diện tích 4 sào đất, chị chuyển từ sản xuất ngoài trời sang trồng rau trong nhà lưới, áp dụng hệ thống tưới thông minh giúp tiết kiệm nước và nâng cao năng suất. “Trước đây trồng ngoài trời, thu nhập chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng mỗi vụ. Giờ sản xuất trong nhà lưới, rau đẹp, bán được giá, mỗi vụ trừ chi phí lãi khoảng 80 - 90 triệu đồng”, chị Thảo chia sẻ.

Từ một hộ thuần nông, anh Nguyễn Hữu Nghĩa trú tại xã Đơn Dương cũng đã mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi bò sữa sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. Năm 2015, nhờ sự kết nối từ tổ chức Đoàn, anh được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, máy băm cỏ, máy vắt sữa, và trồng 1,1 ha cỏ và bắp làm nguồn thức ăn cho đàn bò. Hiện nay, với quy mô 20 con bò, sản lượng sữa khoảng 4.000 lít mỗi tháng, gia đình anh thu về khoảng 300 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Anh Nghĩa cho biết, yếu tố then chốt khi bắt đầu là sự kiên trì, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe vật nuôi, đồng thời luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với những người có cùng chí hướng.

Cũng tại xã Đơn Dương, anh Đặng Phước Vĩ cũng tận dụng hiệu quả nguồn vốn vay để triển khai mô hình trồng cà chua trong nhà kính. Với khoản vay 200 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Đơn Dương, anh Vĩ đầu tư 1.000 m² diện tích nhà kính, hệ thống tưới tự động, tổng vốn đầu tư 400 triệu đồng. Vụ cà chua đầu tiên mang lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng, mở ra triển vọng mở rộng mô hình trong tương lai. Anh khẳng định: “Với sự đồng hành về vốn và kỹ thuật, thanh niên hoàn toàn có thể làm nông nghiệp theo cách chủ động, hiệu quả và bền vững hơn”.

Cùng với việc hỗ trợ các mô hình cụ thể, tổ chức Đoàn tại địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn khởi nghiệp. Đầu năm 2024, tổ tiết kiệm vay vốn được thành lập tại xã Đơn Dương với 16 thành viên là đoàn viên, thanh niên. Tổng số vốn giải ngân đợt đầu đạt 890 triệu đồng, được đầu tư vào mô hình chăn nuôi bò thịt và trồng rau, hoa công nghệ cao. Đây được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song song đó, các buổi tập huấn chuyên đề về khởi nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp thu hút gần 100 đoàn viên tham gia, giúp họ tiếp cận kiến thức mới và định hình tư duy sản xuất hiện đại.

Cùng với đó, mạng lưới hỗ trợ cũng được củng cố thông qua các cuộc gặp gỡ giữa thanh niên và lãnh đạo chính quyền, tạo điều kiện trao đổi, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách. Các hội nghị tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề được tổ chức rộng khắp, tạo thêm nhiều lựa chọn trên con đường lập nghiệp cho thanh niên địa phương.

Theo thống kê, tính đến giữa năm 2025, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Đơn Dương đã giải ngân vốn cho 9 thanh niên theo Đề án 1902 với tổng dư nợ hơn 1,8 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Đơn Dương đánh giá: “Qua nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp, các mô hình đều cho thấy hiệu quả rõ nét. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để thanh niên tiếp cận vốn, góp phần phát triển kinh tế địa phương”.

Những mô hình như của chị Thảo, anh Nghĩa, anh Vĩ không chỉ là những lát cắt sinh động cho thấy hiệu quả rõ nét của Đề án 1902, mà còn khẳng định nội lực và khát vọng vươn lên của lực lượng thanh niên nông thôn. Khi chính sách đúng được triển khai đúng cách, giấc mơ làm kinh tế ngay tại quê nhà đang dần trở thành hiện thực trên nhiều vùng đất Lâm Đồng.

Nguồn: https://baolamdong.vn/on-bay-tu-von-uu-dai-381222.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm