Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh xác định khu vực kinh tế tư nhân mà nòng cốt là các doanh nghiệp chính là lực lượng tiên phong trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường đã tạo động lực quan trọng, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị và từng bước nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh có 31 doanh nghiệp KHCN, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, thuộc nhóm 5 tỉnh trên cả nước có số lượng doanh nghiệp KHCN cao nhất.
Kết quả này có được chính là nhờ sự quan tâm đặc biệt của tỉnh trong việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù. Nổi bật, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp theo 3 nội dung chính: Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ; Hỗ trợ tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Hỗ trợ công nghệ và thị trường công nghệ.
Năm 2012, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh (trụ sở phường Đông Triều) được công nhận là doanh nghiệp KHCN. Doanh nghiệp này có nhiệm vụ lai tạo, chọn tạo, khảo nghiệm các giống lúa mới đồng thời sản xuất kinh doanh XNK giống cây trồng.
Ông Vũ Văn Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh cho biết: Bên cạnh việc quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đủ năng lực để thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu, Công ty luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để cơ giới hóa sản xuất. Cụ thể, năm 2023, đơn vị đã đầu tư 2 dây chuyền đóng gói tự động, qua đó góp phần giảm 30% nhân công trên 1 tổ đóng gói, năng suất đóng gói bình quân cũng tăng từ 8 tạ/giờ lên 2,2 tấn/giờ.
Cùng với việc tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trở thành doanh nghiệp KHCN, tỉnh còn thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo của người dân, chủ cơ sở, hộ sản xuất. Tính đến hết tháng 6/2025, toàn tỉnh có 432 sản phẩm OCOP của 186 chủ thể, trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao – cấp quốc gia, 107 sản phẩm 4 sao và 320 sản phẩm 3 sao.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phương Thuỳ (trụ sở phường Vàng Danh) chia sẻ: Đến nay, doanh nghiệp này đã có 4 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao, 3 sản phẩm 3 sao. Nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ngành trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, các sản phẩm của Công ty sau khi tham gia OCOP như: Nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo khô, mật ong đông trùng hạ thảo… đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với đầu ra ổn định, đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.
Không chỉ doanh nghiệp, các hợp tác xã cũng đang chuyển mình mạnh mẽ, đóng vai trò liên kết sản xuất, tiêu thụ, phân phối, tạo nền tảng vững chắc cho chuỗi giá trị. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 710 HTX nông nghiệp. Số lượng HTX đã ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đạt 32 HTX.
Tiêu biểu phải kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (trụ sở ở phường Đông Triều) vào đầu năm 2013, đã thuê lại hơn 13,9ha đất nông nghiệp của hàng trăm hộ nông dân, nay thuộc phường Mạo Khê, để đầu tư thành cánh đồng mẫu lớn sản xuất rau, củ, quả, với giá thuê được trả bằng 1 tạ thóc/sào/năm.
Bài toán cùng nông dân bắt tay sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân của Hoa Phong đã góp phần tạo việc làm cho trên 50 nông dân có việc làm thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ; mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng chục tấn lương thực, thực phẩm an toàn.
Kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò then chốt, góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững và đầy triển vọng cho toàn tỉnh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/kinh-te-tu-nhan-mui-nhon-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-3368280.html
Bình luận (0)