Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kinh tế xanh từ logistics thủy nội địa

Hải Phòng, với vị thế là cửa ngõ hàng hải quan trọng của miền Bắc Việt Nam, đứng trước cơ hội vàng để phát triển logistics thủy nội địa, không chỉ nhằm thúc đẩy kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm tải áp lực giao thông đường bộ.

Báo Hải PhòngBáo Hải Phòng08/07/2025

kinh-te-xanh.jpg
Kho chứa container của Công ty TNHH Pan Hải An

Tiềm năng to lớn cần khai thác

Hải Phòng sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc và kết nối thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng và các khu công nghiệp trọng điểm. Mạng lưới đường thủy nội địa dài gần 2,7 nghìn km, chiếm khoảng 40% tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước, mang lại lợi thế tự nhiên vượt trội cho vận tải thủy.

Đánh giá về lợi ích kép từ phát triển logistics thủy nội địa, ông Lê Mạnh Cương, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho rằng, vận tải thủy nội địa được coi là phương thức vận tải xanh, thân thiện với môi trường. So với vận tải đường bộ, vận tải thủy tiêu thụ ít nhiên liệu hơn trên mỗi đơn vị hàng hóa, giảm đáng kể lượng khí thải carbon và các chất gây ô nhiễm khác. Điều này quan trọng trong bối cảnh Hải Phòng đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như được thể hiện qua việc thành phố vươn lên vị trí quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của lưu lượng xe container và xe tải trên các tuyến đường bộ ra vào cảng Hải Phòng đang gây ra áp lực lớn cho hạ tầng giao thông. Phát triển vận tải thủy nội địa sẽ giúp chuyển dịch một lượng lớn hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, giảm bớt mật độ phương tiện, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời kéo dài tuổi thọ của các công trình giao thông đường bộ. Một số doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển logistics thủy nội địa tại Hải Phòng có thể kể đến như Công ty CP Vận tải container ven biển Macstar, Công ty TNHH Pan Hải An...

Về phía doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, ông Tạ Mạnh Dũng, Phó giám đốc Công ty cổ phần kết nối GreenAI cho biết: Trước đây, chi phí vận chuyển một container 40 feet bằng đường bộ từ cảng Hải Phòng đi các khu công nghiệp tại Ninh Bình thường dao động quanh mức 4,5 triệu đồng. Nếu sử dụng phương thức vận tải thủy nội địa qua sông, chi phí này thấp hơn đáng kể, khoảng 3,4 triệu đồng cho một container 40 feet. Tuy nhiên, sau khi chính sách giảm 50% phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu cảng biển được áp dụng từ đầu năm 2023, chi phí vận tải thủy nội địa từ Hải Phòng đi Ninh Bình giảm thêm khoảng 230 nghìn đồng cho mỗi container 40 feet. Điều này đưa tổng chi phí vận tải thủy xuống dưới 3,2 triệu đồng, tạo ra một sự chênh lệch lớn và đủ hấp dẫn để khách hàng chuyển dịch sang sử dụng đường thủy nhiều hơn. Mức giảm này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Phát huy tiềm năng

Được biết, thời gian qua, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) cũng đã và đang tích cực đề xuất các giải pháp, phối hợp các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa. HPLA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch đồng bộ các trung tâm logistics, kho bãi vệ tinh gắn kết với các cảng và khu công nghiệp để tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Để phát triển logistics thủy nội địa một cách bền vững, PGS.TS Lê Thị Hương Giang, Phó trưởng Bộ môn Công trình cảng, Khoa Công trình (Trường đại học Hàng hải Việt Nam) cho rằng, mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi ích rõ rệt, vận tải thủy nội địa tại Hải Phòng vẫn đối mặt với một số thách thức. Hạ tầng đường thủy đôi khi chưa đồng bộ, còn thiếu các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa hiệu quả. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào đội tàu, thiết bị bốc xếp hiện đại và nâng cao năng lực quản lý. Thành phố cần tiếp tục đầu tư nâng cấp, nạo vét luồng lạch, xây dựng thêm các cảng cạn, bến thủy nội địa hiện đại, kết nối đồng bộ với cảng biển và các khu công nghiệp, tiếp tục duy trì và mở rộng các chính sách ưu đãi về phí, thuế, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào phương tiện và công nghệ. Việc tăng cường hợp tác giữa Hải Phòng và các tỉnh lân cận để hình thành mạng lưới logistics thủy nội địa hiệu quả, kết nối các trung tâm sản xuất với cảng biển cũng là giải pháp mang tính lâu dài bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải, theo dõi hàng hóa, tối ưu hóa quy trình logistics thủy nội địa.

Có thể thấy, phát triển logistics thủy nội địa không chỉ là giải pháp cấp bách để giảm tải giao thông đường bộ và bảo vệ môi trường, mà còn là đòn bẩy chiến lược để Hải Phòng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Với sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và các hiệp hội, tiềm năng to lớn của vận tải thủy nội địa tại Hải Phòng chắc chắn sẽ được khai thác tối đa, mang lại những giá trị bền vững cho kinh tế- xã hội thành phố.

THU HẰNG

Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/kinh-te-xanh-tu-logistics-thuy-noi-dia-415901.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm