Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lãi suất ổn định hỗ trợ tín dụng tăng trưởng

Giữ ổn định lãi suất không chỉ thúc đẩy tín dụng, mà còn giúp ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư và củng cố niềm tin thị trường.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng11/07/2025

Giữ ổn định lãi suất không chỉ thúc đẩy tín dụng, mà còn giúp ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư và củng cố niềm tin thị trường.

Ổn định nhưng có biến động cục bộ

Nửa đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất điều hành ở mức thấp, nhất quán với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phục hồi sản xuất – kinh doanh và kiểm soát lạm phát. Việc giữ nguyên các mức lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu... thể hiện thông điệp rõ ràng của nhà điều hành về chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng nhưng vẫn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng.

Theo số liệu đến tháng 5/2025, lãi suất huy động VND tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì trong biên độ tương đối rộng. Với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng, lãi suất dao động ở mức rất thấp 0,1–0,2%/năm. Các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng có mức lãi suất phổ biến 4,5–5,5%/năm; từ trên 12 tháng đến 24 tháng là 4,8–6%/năm, và kỳ hạn trên 24 tháng đạt 6,9–7,1%/năm.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 6, xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm kéo dài suốt từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025 đã chững lại. Các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng phân hóa, tùy theo nhu cầu vốn, chiến lược cạnh tranh và mục tiêu thanh khoản. Nhiều ngân hàng có động thái tăng nhẹ lãi suất ở kỳ hạn ngắn, đồng thời giảm lãi suất kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn.

Vikki Bank (tên mới của DongABank) hiện là ngân hàng hiếm hoi áp dụng mức lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi online mức cao so với mặt bằng chung. Ngoài ra, một số ngân hàng số và ngân hàng vừa như HDBank, Cake by VPBank, BVBank... cũng đưa ra mức lãi suất 6–6,1%/năm cho các kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng, không yêu cầu mức tiền gửi tối thiểu, nhằm thu hút dòng vốn nhàn rỗi trung – dài hạn.

Ở chiều ngược lại, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm. Theo NHNN, đến ngày 10/6/2025, lãi suất bình quân với các khoản vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm còn 6,3%/năm, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.

Đây là kết quả của nỗ lực điều hành lãi suất của NHNN và sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng nhằm giảm chi phí vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức.

Dù lãi suất hiện tại được đánh giá là hợp lý, nhiều tổ chức tài chính quốc tế vẫn tỏ ra thận trọng trong các dự báo. Theo Ngân hàng UOB, NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất chính sách như hiện nay, với mức lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%. Tuy nhiên, nếu kinh tế trong nước gặp khó khăn hoặc thị trường lao động suy yếu, NHNN có thể linh hoạt hạ thêm lãi suất.

Trong kịch bản xấu, lãi suất chính sách có thể được điều chỉnh xuống còn 4%, thậm chí 3,5%, tương đương mức thấp trong thời kỳ dịch COVID-19. Tuy nhiên, khả năng này phụ thuộc vào điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ.

Tổng thể, mặt bằng lãi suất nửa đầu năm 2025 mang tính hỗ trợ rõ rệt cho phục hồi kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu và hoạt động sản xuất – kinh doanh đang phục hồi chưa đồng đều. Tuy nhiên, với xu hướng phân hóa của các ngân hàng, thị trường có thể chứng kiến những điều chỉnh cục bộ trong lãi suất huy động và cho vay, đặc biệt vào giai đoạn cuối quý III và quý IV khi nhu cầu vốn tăng cao theo chu kỳ.

Điều hành lãi suất trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục là một “bài toán đa mục tiêu” của NHNN, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo dư địa tăng trưởng và kiểm soát các rủi ro từ bên ngoài.

Lãi suất ổn định hỗ trợ tín dụng tăng trưởng
Giữ ổn định lãi suất không chỉ thúc đẩy tín dụng, mà còn giúp ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư và củng cố niềm tin thị trường.

Lãi suất là công cụ “đa nhiệm” của chính sách tiền tệ

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, lãi suất luôn được coi là “đòn bẩy” quan trọng, có thể cùng lúc đảm đương nhiều mục tiêu. Nửa đầu năm 2025, công cụ này tiếp tục phát huy vai trò “đa nhiệm”, vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và củng cố niềm tin thị trường.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 2, mặt bằng lãi suất hiện tại đang ở mức “tốt nhất, hợp lý và khoa học”, phản ánh qua khả năng huy động vốn ổn định của hệ thống ngân hàng cũng như xu hướng nhu cầu tín dụng đang hồi phục rõ nét. Đây là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn, giảm chi phí đầu vào, từ đó khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế toàn cầu.

Không chỉ vậy, trong vai trò là công cụ điều tiết chính sách tiền tệ, lãi suất còn giúp duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá được kiểm soát linh hoạt, lạm phát 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,62, thấp hơn cùng kỳ 2024, tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam duy trì môi trường đầu tư ổn định, tăng cường niềm tin của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhờ những yếu tố này, tăng trưởng GDP nửa đầu năm đạt 7,52%, mức cao nhất trong nhiều năm, trong đó xuất khẩu tiếp tục là động lực chính với kim ngạch đạt 219 tỷ USD, tăng 14,4%.

Lãi suất thấp cũng là “chất xúc tác” cho hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi: từ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân ở khu vực nông thôn, tín dụng an sinh xã hội, đến các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh nền kinh tế chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo, chính sách lãi suất hợp lý là “nút bật” kích hoạt các dòng vốn dài hạn, bền vững hơn.

Một điểm đáng chú ý trong thảo luận chính sách gần đây là đề xuất dỡ bỏ cơ chế hạn mức tín dụng (room) và thay vào đó điều tiết qua lãi suất. Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, cho rằng việc áp room tín dụng mang tính hành chính, có thể gây méo mó thị trường và cản trở dòng vốn chảy đến các lĩnh vực thực sự cần thiết.

“Thay vì áp trần tăng trưởng tín dụng, nên để thị trường tự điều tiết qua lãi suất. Ngân hàng nào có năng lực quản trị rủi ro tốt, thanh khoản mạnh thì được cho vay nhiều hơn”, ông Lược đề xuất.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần tính toán kỹ. Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), nếu bỏ room tín dụng mà không kiểm soát tốt, có thể dẫn tới biến động mạnh về lãi suất, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và ổn định vĩ mô.

Do đó, NHNN đang đánh giá toàn diện, xây dựng lộ trình phù hợp, đồng thời tham vấn các bộ, ngành để có thể báo cáo Chính phủ và Thủ tướng quyết định thời điểm phù hợp cho việc chuyển đổi cơ chế điều hành này.

Với những diễn biến tích cực nửa đầu năm, lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục là công cụ linh hoạt giúp duy trì đà phục hồi kinh tế trong những tháng còn lại của 2025. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro: từ chính sách tiền tệ chưa rõ xu hướng của Fed, đến căng thẳng địa chính trị và biến động giá cả hàng hóa toàn cầu.

Điều này đòi hỏi NHNN tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định vĩ mô, nhưng cũng cần sẵn sàng các kịch bản điều hành linh hoạt. Bài toán lãi suất vì vậy sẽ không chỉ là một công cụ đơn lẻ, mà là điểm tựa đa chiều cho toàn bộ hệ sinh thái kinh tế, từ chính sách tài khóa, đầu tư công cho tới điều hành tỷ giá và hỗ trợ an sinh.

Nguồn: https://baolamdong.vn/lai-suat-on-dinh-ho-tro-tin-dung-tang-truong-381948.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm