Với mong muốn mỗi bạn trẻ sẽ trở thành một người gìn giữ và phát huy di sản, một nhóm bạn trẻ Gen Z đã thành lập dự án “Sao Đầu Mũ”.
Đại diện nhóm “Sao Đầu Mũ” trao tặng thư viện điện tử cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. |
Với các bạn, lịch sử không chỉ là những trang sách cũ hay các sự kiện khô khan mà là một phần ký ức sống động gắn liền với mỗi cá nhân, cộng đồng và dân tộc.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ngày nay đang dần mất đi sự kết nối với quá khứ và những giá trị lịch sử quý báu của đất nước.
Đại diện nhóm “Sao Đầu Mũ” trao tặng thư viện điện tử cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Để hiện thực hóa ý tưởng, nhóm dự án đã xây dựng và trao tặng cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định một website kèm thư viện điện tử. Đây là một không gian số được tạo ra để lưu trữ, hệ thống hóa và lan tỏa di sản của lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại.
Website này là kho tư liệu quý giá, lưu giữ thông tin, hình ảnh và câu chuyện về các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Hơn 200 bức ảnh tư liệu đã được nhóm phục dựng bằng công nghệ số đã giúp tái hiện một cách sống động và rõ nét những khoảnh khắc lịch sử hào hùng.
Bạn Nguyễn Hữu Trường, sinh viên trường Đại học FPT (Quản lý quan hệ công chúng dự án "Sao Đầu Mũ", chia sẻ: "Trong dự án bảo tàng thư viện số lần này, chúng em đã lựa chọn phục dựng lại những bức hình và những câu chuyện lịch sử với mong muốn đưa chúng đến gần gũi hơn với giới trẻ.
Nguồn ảnh của chúng em đến từ hai nguồn chính là từ hình ảnh của các cô chú Biệt động Sài Gòn và thứ hai là từ Thông tấn xã Việt Nam.
Khi nhận về, có những bức hình đã cũ, bị mờ hoặc nhòe, chúng em đã ứng dụng công nghệ để làm cho chúng trở nên rõ nét hơn, hiện rõ các chi tiết và khôi phục lại để những bức ảnh trở nên đẹp và sinh động hơn".
Người xem có thể dùng tay di chuyển sang trái hoặc phải để xem được sự thay đổi trước và sau khi ảnh được phục dựng. |
Cũng trong buổi trao tặng thư viện điện tử, nhóm “Sao Đầu Mũ” còn phối hợp cùng Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tổ chức buổi talkshow “A Symphony of 45-05-25” để thế hệ trẻ được gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại cùng với những nhân chứng sống, những người đã từng đi qua một thời hoa lửa của dân tộc.
Ông Lâm Quốc Dũng, chiến sĩ quân báo Biệt động Sài Gòn xúc động chia sẻ: “Việc thế hệ trẻ ngày nay tìm hiểu về lịch sử dân tộc là điều vô cùng cần thiết, nhất là về lịch sử của thế hệ cha ông ngay tại thành phố này”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/lan-toa-tinh-yeu-lich-su-trong-cong-dong-thanh-nien-sinh-vien-tai-tp-ho-chi-minh-322516.html
Bình luận (0)