Thi công cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn đoạn đi qua xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn
Chính sách linh hoạt
Tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn dài hơn 38 km được kỳ vọng mở ra cú hích phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, giống như nhiều dự án trọng điểm khác, thách thức lớn nhất không nằm ở thi công mà ở giải phóng mặt bằng. “Người dân ủng hộ chủ trương lớn, nhưng vướng mắc về thủ tục, định giá tài sản, hỗ trợ tái định cư không rõ ràng đã gây tâm lý chần chừ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trần Mạnh Cường chia sẻ.
Thực tế, toàn tuyến có hơn 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng, hàng trăm công trình dân sinh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần di dời. Thời gian đầu, tiến độ bàn giao mặt bằng rất chậm, đặc biệt ở các điểm như cầu Nà Bản, cầu Nà Cắn hay đoạn qua trung tâm xã Thanh Thịnh.
Trước áp lực tiến độ, Bắc Kạn đã chủ động ban hành nhiều quyết định quan trọng như: Quyết định 19/2024/QĐ-UBND về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Quyết định 41/2024/QĐ-UBND cho phép bồi thường 80% giá trị tài sản xây dựng hiện có ngay cả khi không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật… Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng áp dụng đơn giá bồi thường thiệt hại với cây trồng, vật nuôi là thủy sản theo Quyết định 24/2024/QĐ-UBND giúp rút ngắn thời gian thẩm định.
Một trong những đổi mới đáng chú ý là việc Bắc Kạn cho phép người dân tự lựa chọn phương án tái định cư tại chỗ. Thay vì xây dựng đồng loạt các khu tái định cư tập trung - vốn thường xa trung tâm dân cư và khó thu hút người về ở, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù: Người dân được nhận tiền để mua đất và tự xây nhà nếu có nguyện vọng và điều kiện phù hợp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Minh cho biết: “Chúng tôi nhận thấy ở khu vực nông thôn, bà con gắn bó với ruộng đồng và sinh kế truyền thống. Nếu phải chuyển về nơi ở mới xa đất canh tác thì không ai mặn mà. Vì vậy, Sở đã chủ động tham mưu tỉnh xem xét ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, giúp người dân vừa ổn định cuộc sống, vừa đảm bảo được sinh kế lâu dài”.
Là một trong những hộ đầu tiên chọn phương án tái định cư tại chỗ, chị Lăng Thị Hường, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới chia sẻ: “Gia đình tôi nhận hơn 300 triệu đồng tiền bồi thường và hỗ trợ. Với khoản này, chúng tôi mua được một mảnh đất gần người thân, lại còn dư để dựng nhà cấp 4 khang trang. Nếu chuyển vào khu tái định cư thì chắc tôi không đồng ý.”
Hành động quyết liệt
Để đảm bảo đúng cam kết với Bộ Xây dựng, tỉnh Bắc Kạn đã xác định rõ phương châm “mặt bằng đi trước, công trình theo sau”. “Việc xác minh nguồn gốc đất là khâu mất thời gian nhất, do nhiều hộ chưa có giấy tờ đầy đủ hoặc đất có tranh chấp. Để rút ngắn thời gian này, các tổ công tác phối hợp với cán bộ thôn, xóm, trưởng bản, tổ dân phố để thu thập thông tin và kiểm tra thực địa ngay trong ngày.” - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Bắc Kạn Lê Thị Thu Hà cho biết.
Ngoài đất ở và đất sản xuất, dự án còn đi qua nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như cột điện, đường ống cấp nước, mạng viễn thông… Việc di dời các công trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý chuyên ngành. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn đã được giao nhiệm vụ chủ trì việc lựa chọn nhà thầu và lên phương án di dời đồng bộ, tránh chồng chéo với lịch thi công của các đơn vị khác. “Chúng tôi ưu tiên lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, đảm bảo có thể thi công ban đêm nếu cần thiết để không ảnh hưởng đến tiến độ chung.” - Giám đốc Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Các thủ tục về môi trường, thăm dò vật liệu, mỏ đất đắp cũng được tỉnh Bắc Kạn đẩy nhanh. Đặc biệt, khu vực xã Thanh Thịnh, nơi có mỏ đất phục vụ thi công nền đường đang được Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ khai thác, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Việc này giúp đảm bảo vật liệu thi công luôn sẵn sàng, không bị động khi bắt đầu triển khai đồng loạt.
Một yếu tố khác đang mang lại hiệu quả rõ rệt là công tác truyền thông, dân vận tại cơ sở. UBND huyện Chợ Mới đã yêu cầu các xã thành lập các tổ tuyên truyền lưu động, sử dụng loa truyền thanh và các buổi họp dân để giải thích cụ thể từng khoản hỗ trợ, từng phương án tái định cư. Những câu hỏi như “Tiền hỗ trợ được nhận khi nào?”, “Có được chọn chỗ ở mới không?”, hay “Nếu không đồng ý phương án thì giải quyết ra sao?”… đều được cán bộ giải thích thấu đáo.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Bắc Kạn tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước
về công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có vấn đề tái định cư
Để đảm bảo tiến độ công việc, đội ngũ cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng cũng được tăng cường. Trong đó, UBND huyện Chợ Mới chủ trương luân chuyển cán bộ địa chính - xây dựng có năng lực đến các xã trọng điểm của dự án, đảm bảo hồ sơ đất đai, nguồn gốc sử dụng được xác minh nhanh chóng và chính xác. Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường đều vào cuộc đồng bộ: Người lo đơn giá, người thẩm định, người kiểm tra thực địa. “Phòng Nông nghiệp và Môi trường và Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Bắc Kạn được yêu cầu làm việc cả ngày nghỉ để kịp tiến độ chi trả bồi thường trước thời hạn bàn giao” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường thành phố Tạ Thị Lan Anh cho biết.
Từ quyết liệt chỉ đạo, linh hoạt chính sách, cho đến tận tâm vận động, đến ngày 15/4/2025, các địa phương đã bàn giao được khoảng 9/38 km mặt bằng, tập trung chủ yếu tại các điểm nóng như xã Nông Thượng, Thanh Thịnh và Nông Hạ.
Cùng thời điểm, Ban Quản lý dự án 2 đã khẩn trương huy động 4 mũi thi công đến các điểm đã bàn giao. Những đơn vị này tập trung dọn dẹp, phát quang, chuẩn bị nền móng tại các vị trí ưu tiên như hầm chui dân sinh Km27+900, cầu Nà Đeo, cầu Nà Cắn. Đây là bước khởi động quan trọng để đảm bảo tiến độ chung toàn tuyến không bị chậm trễ.
Trước áp lực tiến độ, UBND tỉnh Bắc Kạn liên tục tổ chức các buổi kiểm tra thực địa, hội nghị tháo gỡ vướng mắc với sự tham gia của nhiều sở, ngành và địa phương liên quan. Tại buổi kiểm tra hiện trường ngày 10/4/2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên nhấn mạnh: “Phải ưu tiên giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn còn lại, đặc biệt ở các khu vực có cầu, cống và hầm chui, để nhà thầu có mặt bằng thi công liên tục.” Theo đó, các mốc thời gian cụ thể đã được giao, với những đoạn từ Km0+750 - Km5+700 phải hoàn tất giải phóng mặt bằng trước ngày 25/4, các đoạn còn lại tại Nông Hạ như Km6+700 - Km9+300 cũng được yêu cầu hoàn thiện trước giữa tháng 5.
Chặng đường phía trước còn nhiều việc, đặc biệt là di dời hạ tầng kỹ thuật, giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn tại một số hộ dân chưa đồng thuận. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Bộ Xây dựng Bùi Huy Kiểm: “Với những bước đi quyết đoán của tỉnh trong thời gian vừa qua, từ tháng 5/2025 trở đi sẽ là thời điểm “bứt tốc” cả về công tác giải phóng mặt bằng lẫn thi công các công trình trên tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn”.
Ông Trần Bá Luân - Chỉ huy trưởng công trường xây dựng tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn khẳng định: “Chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với địa phương để thi công đúng tiến độ. Các vị trí ưu tiên sẽ được triển khai đồng loạt trong tháng 5”.
Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn không chỉ là tuyến đường giao thông mà còn là hành lang phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ và kết nối vùng. Khi thông tuyến, thời gian di chuyển từ Bắc Kạn về Hà Nội rút ngắn chỉ còn chưa đến 2 giờ đồng hồ. Để chạm tay tới mục tiêu đó, Bắc Kạn đã và đang nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng một cách cách làm bài bản, với thái độ cầu thị, linh hoạt trong xử lý thực tế, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án hạ tầng quan trọng nhất đối với địa phương hiện nay./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/linh-hoat-chinh-sach-hanh-dong-quyet-liet--don-bay-7143.aspx
Bình luận (0)