Chúng tôi tìm đường đến cơ sở sản xuất tương hột và chao Thanh Hương khá dễ dàng, bởi đây là lò tương hột lâu đời và nổi tiếng nhất ở xã Vĩnh Phong. “Cô mua tương đúng không? Tương ở đây ngon lắm, gia đình tôi chỉ tìm đến đây mua tương hột và chao thôi. Cô cứ đi thẳng từ trung tâm hành chính xã Vĩnh Phong, chạy về hướng chợ nổi Vĩnh Thuận, rồi hỏi thăm chỗ làm tương hột của ông Thanh, bà Ẩn là ai cũng biết” - một người dân địa phương nhiệt tình chỉ dẫn.
Vừa đến sân đã cảm nhận mùi tương thơm nồng đậm, vài khách hàng đang chờ để mua tương hột. Phía trong, bà Võ Thị Ngọc Ẩn, đang lúi húi múc từng muỗng tương hột sóng sánh từ các khạp sành lớn, cẩn thận chiết vào từng chai để kịp giao cho khách. Dù ở tuổi ngoài 70, bà Ẩn vẫn thoăn thoắt, vừa múc tương, vừa đóng chai, vừa tính tiền nhanh nhẹn. “Vợ chồng tôi mở cơ sở sản xuất tương từ năm 1980 đến nay đã hơn 45 năm. Chúng tôi học nghề từ một người bạn. Lò tương này đã nuôi sống gia đình tôi và giờ cả cháu tôi nữa” - bà Ẩn cười hiền.
Trong khi bà Ẩn tất bật giao hàng bên ngoài, ông Thanh đang tập trung lựa đậu nành trong căn phòng nhỏ chất đầy nguyên liệu. Thấy tôi, ông Thanh niềm nở giới thiệu các dụng cụ và công đoạn sản xuất tương của gia đình. Ông Thanh nói: “Làm tương có 4 công đoạn cơ bản. Đầu tiên là sơ chế đậu, sau đó đem nấu rồi vớt ra ủ cho đậu lên men. Khi đậu nành đã lên men đạt yêu cầu, chúng tôi trộn với muối và nước đường mía đã hòa chung. Cuối cùng là ngâm ủ trong khạp sành ở nơi thoáng mát, có ánh nắng thêm một thời gian nữa”.
Bà Võ Thị Ngọc Ẩn kiểm tra màu sắc, hương thơm của các khạp đựng đậu ở trước sân
Hầu hết các công đoạn sản xuất tương hột đều làm thủ công, do chính tay ông Thanh và bà Ẩn thực hiện. Để hoàn thành 1 mẻ tương đậu phải mất hơn 1 tháng, công đoạn ủ đậu ở khạp là lâu nhất. Theo ông Thanh, quan trọng là phải chọn được loại đậu nành ngon, thì thành phẩm mới ngon và đạt chất lượng. Sản phẩm tương đậu của gia đình ông không sử dụng chất bảo quản, hương vị rất đặc trưng và vừa ăn. “Làm tương là phải “canh nắng, trông mưa”. Nếu nắng ấm, mẻ tương đó sẽ có màu đẹp, hương vị và mùi thơm đạt chuẩn” - ông Thanh nói.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất tương và chao Thanh Hương bán khoảng 20kg tương hột với giá 20.000 đồng/kg. Ngoài tương, cơ sở còn sản xuất thêm chao, bán lẻ mỗi keo 10.000 đồng. Khách hàng chủ yếu trong tỉnh An Giang. Một số người ở tỉnh lân cận như Cà Mau, TP. Cần Thơ cũng thường xuyên liên hệ đặt hàng. “Dù thu nhập không cao, nhưng đối với vợ chồng tôi, lò tương này là cả một hoài bão, một kỷ niệm. Chúng tôi sẽ duy trì nghề đến khi không còn đủ sức khỏe nữa mới nghỉ” - bà Ẩn bày tỏ.
Rời cơ sở sản xuất tương của ông Thanh, bà Ẩn, tôi vẫn còn vấn vương trong tâm trí hương thơm nồng của tương đậu, cùng hình ảnh vợ chồng già lặng lẽ, bền bỉ gìn giữ một nghề truyền thống, dù cuộc sống nhiều đổi thay. Trong từng mẻ tương, keo chao đọng lại hương vị quê nhà và còn chắt chiu cả tâm huyết, lòng tự hào và ký ức của bao thế hệ.
“Nhiều chủ cơ sở kinh doanh cũng đến cơ sở của tôi mua tương với số lượng lớn để bán lại cho khách. Vợ chồng tôi không giấu nghề. Ai muốn đến học làm tương, chúng tôi đều sẵn sàng dạy miễn phí, vì tôi thực sự mong có thể duy trì nghề làm tương hột truyền thống này. Các cháu tôi hiện cũng ở cùng, vừa để phụ giúp, vừa để học nghề” - bà Võ Thị Ngọc Ẩn nói. |
TƯỜNG VI
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/lo-tuong-hon-45-nam-tuoi-o-vinh-phong-a423676.html
Bình luận (0)