Phương án kiện toàn bộ máy, sắp xếp cán bộ
Theo dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, sau sắp xếp, đại biểu HĐND của TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới, thành lập các Ban Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Đô thị.
UBND cấp tỉnh tổ chức tối đa 14 sở và tương đương theo quy định. Hợp nhất nguyên trạng tổ chức của 2 tỉnh, thành phố trước sáp nhập và thực hiện sắp xếp theo chủ trương của Trung ương về việc sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Về phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của TP Hải Phòng mới không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương trước sắp xếp.
Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định bằng các hình thức: Giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi, điều chuyển sang các vị trí phù hợp ở các đơn vị còn thiếu hoặc thay thế các vị trí phù hợp ở đơn vị có người nghỉ hưu, nghỉ chế độ...
Đồng thời, nghiên cứu thực hiện các biện pháp hỗ trợ kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Sắp xếp, xử lý trụ sở công hiệu quả, tránh lãng phí
Căn cứ quy định của Trung ương, TP Hải Phòng thực hiện việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công thực hiện theo quy định của Trung ương.
Trong đó, tạm dừng phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc, các dự án đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện sắp xếp.
Căn cứ quy định hiện hành, phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Tài chính chủ trì tham mưu UBND thành phố xây dựng và triển khai phương án xử lý cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, tài sản công của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố thực hiện sắp xếp để kịp thời điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế và theo quy định của pháp luật; bảo đảm bố trí, sắp xếp, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công hiện có.
Trong vòng 3 năm, kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội về việc hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng có hiệu lực thi hành, UBND TP Hải Phòng hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả và không lãng phí.
Đồng thời nghiên cứu xây dựng các phương án bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Hải Dương bao gồm hỗ trợ phương tiện đi lại, nhà ở, kết nối giao thông…
Đối với các chính sách đặc thù của tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng hiện nay, sau hợp nhất, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.
Đối với chính sách đặc thù do HĐND cấp tỉnh của từng địa phương ban hành, trước mắt sẽ được giữ nguyên phạm vi, đối tượng và nội dung.
Sau khi hoàn thành việc sắp xếp cấp tỉnh, HĐND TP Hải Phòng (mới) sẽ chỉ đạo các cơ quan rà soát, đánh giá việc thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù hiện hành để xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ (nếu cần thiết).
Trường hợp phải xử lý các văn bản chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, các cơ quan liên quan có trách nhiệm tham mưu HĐND TP Hải Phòng ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn, bảo đảm hoàn thành theo đúng tiến độ yêu cầu.
Nguồn: https://baohaiduong.vn/mot-so-dinh-huong-sap-xep-can-bo-tru-so-cong-sau-hop-nhat-hai-duong-hai-phong-409803.html
Bình luận (0)