"Nhiều năm qua, thầy trò nhà trường vẫn âm thầm chăm sóc, dâng hương tưởng nhớ Anh hùng Kiều Ngọc Luân vào các dịp lễ, tết, một nghi thức thiêng liêng đã trở nên quen thuộc", thầy Nguyễn Triệu Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Triệu Thành cho biết.
Anh hùng Kiều Ngọc Luân. Ảnh tư liệu |
Ngược dòng thời gian, qua lời kể của các cựu chiến binh từng là đồng đội của đồng chí Kiều Ngọc Luân và dấu tích những trận đánh khốc liệt như Linh Chiểu, Tri Bưu, Bích La Đông..., chân dung người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi dần hiện lên rõ nét. Kiều Ngọc Luân sinh năm 1942, tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (nay là xã Vạn Tường), tỉnh Quảng Ngãi, mảnh đất miền Trung khô cằn nhưng giàu truyền thống cách mạng. Kiều Ngọc Luân nhập ngũ năm 1966. Ngay từ những ngày đầu quân ngũ, người lính trẻ đã sớm bộc lộ tư chất chỉ huy, từ chiến sĩ nhanh chóng phát triển thành cán bộ chỉ huy cấp trung đội, đại đội. Ở bất kỳ đơn vị nào, anh đều được đồng đội quý trọng bởi tính kỷ luật, sống giản dị, gan dạ và chiến đấu vô cùng dũng cảm. Trong ký ức của những đồng đội cùng trung đoàn như Thiếu tướng Giang Văn Thành (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64) thì đồng chí Kiều Ngọc Luân là “người chỉ huy được cả trung đoàn kính phục”, là người đã sống và chiến đấu như thể biết trước mình sẽ không trở về. Đại tá Lê Ngọc Sơn, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thủ Đô (nguyên Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64) xúc động kể: “Đại đội 10 là đơn vị chủ công giữ các điểm nóng như ngã ba Long Hưng, cửa nhà thờ Tri Bưu. Đây là những nơi địch ngày đêm tấn công hòng xuyên vào Thành cổ. Anh Luân được phân công bám sát đơn vị tôi. Anh không chỉ trực tiếp chỉ huy, trực tiếp chiến đấu, mà còn quan tâm đến từng việc rất cụ thể, như: Đạn dược đủ chưa, thương binh đã được đưa ra bờ sông Thạch Hãn chưa, lương khô có đủ không...”.
Đại tá Lê Ngọc Sơn nhớ như in hình ảnh người chỉ huy năm nào: “Anh Luân cao khoảng 1,65m, mặt vuông chữ điền, gương mặt phúc hậu, người rắn rỏi. Lúc nào anh cũng chải đầu rất mượt dù đang ở giữa chiến trường. Phong thái anh bình tĩnh lắm. Chúng tôi nhìn anh mà yên tâm hẳn, vì biết rằng có anh Luân là trận địa này giữ được”. Trong thời gian chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi từ năm 1966 đến 1968, Kiều Ngọc Luân đã cùng đồng đội đánh hơn 50 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hơn 100 lính Mỹ, phá hủy 3 xe tăng, thu nhiều vũ khí. Trong mỗi trận chiến đấu, anh luôn là người đi đầu và cũng là người cuối cùng rời trận địa. Không chỉ quả cảm, Kiều Ngọc Luân còn giỏi tổ chức và đặc biệt coi trọng việc bảo toàn lực lượng cho đơn vị. Anh là mẫu người chỉ huy mà đồng đội tin tưởng giao cả sinh mệnh nơi trận mạc.
Thiếu tướng Giang Văn Thành (thứ ba, từ trái sang) cùng đồng đội thăm gia đình chị gái Anh hùng Kiều Ngọc Luân. Ảnh: VŨ VĂN BÍNH |
Năm 1969, Kiều Ngọc Luân là đại biểu trong đoàn Dũng sĩ Quân Giải phóng miền Nam ra báo công với Bác Hồ. Lần ấy, Kiều Ngọc Luân được Bác tặng Huy hiệu của Người. Từ năm 1969 đến 1970, anh được cử đi học tại Trường Quân chính Quân khu Hữu Ngạn. Từ cuối tháng 6-1972, trên các cương vị: Trợ lý tác chiến Tiểu đoàn, Đại đội trưởng, Phó tiểu đoàn trưởng, anh luôn bám sát đơn vị, chiến đấu kiên cường, giữ vững trận địa ở Linh Chiểu, ngã ba Long Hưng, Tri Bưu... Có ngày anh chỉ huy đánh lui 7 đợt tấn công của địch, riêng anh diệt 50 tên địch. Trong ký ức của đồng đội, Kiều Ngọc Luân luôn là người chỉ huy can trường, dũng mãnh, giữa lúc bom nổ, pháo dập vẫn giữ tác phong chỉ huy bình tĩnh, mạnh bạo, chắc chắn đến lạ lùng. “Chúng tôi nghe danh anh Luân từ những trận trước. Gặp rồi thì phục sát đất. Chỉ cần anh có mặt là anh em vững tin, chiến đấu đến cùng”, Thiếu tướng Giang Văn Thành nói.
Cao điểm của những ngày chiến đấu ấy là trận tấn công làng Bích La Đông. Từ ngày 9-9-1972, anh Luân chỉ huy lực lượng thọc sâu, đánh chiếm khu vực Nhà Bằng, trung tâm đề kháng ở trường học, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Đến ngày 18-9, Trung đoàn 64 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt 633 tên địch, đánh thiệt hại nặng 8 đại đội, thu nhiều vũ khí, góp phần quan trọng vào việc làm chủ và chốt giữ làng Bích La Đông.
Ngày 12-9-1972, Kiều Ngọc Luân đã anh dũng hy sinh khi đang trực tiếp chỉ huy đánh trả một đợt phản kích lớn của đối phương. Theo Đại tá Lê Ngọc Sơn, hôm đó, sau khi chỉ huy đánh bật địch khỏi 2/3 làng Bích La Đông, Tiểu đoàn phó Kiều Ngọc Luân triệu tập một số đồng đội để hội ý. Trong lúc đang trao đổi kế hoạch, một quả pháo bất ngờ giội trúng. Anh cùng 4 cán bộ hy sinh tại chỗ.
Tượng đài tưởng niệm Anh hùng Kiều Ngọc Luân bị hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: VŨ VĂN BÍNH |
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Lương khi ấy là chiến sĩ Đại đội 10, là một trong hai người nhận nhiệm vụ lên mai táng ngay sau đó. “Tôi không biết mặt anh Luân. Anh hy sinh vào khoảng 5-6 giờ chiều. Khoảng một tiếng sau đó, tôi đến nơi thì chỉ thấy có một nấm đất mới. Có lẽ ai đó đã an táng cho các đồng đội, bởi địch chỉ cách đó khoảng 50-100m”, ông Lương kể, đồng thời quả quyết rằng mộ của liệt sĩ Kiều Ngọc Luân cùng 4 đồng đội vẫn nằm đâu đó trong lòng Bích La Đông.
Ngày 23-9-1973, liệt sĩ, Đại úy Kiều Ngọc Luân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Người chỉ huy can trường ấy hy sinh ở tuổi 30, khi còn chưa có con. Nhưng tên anh sống mãi trong ký ức đồng đội và thế hệ sau, như lời nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng, nguyên chiến sĩ Đại đội 11, từng hát trong ca khúc tưởng niệm viết về anh: “Kiều Ngọc Luân là niềm tin biết bao chiến sĩ...”.
Chính từ nghĩa tình ấy, một đài tưởng niệm nhỏ xây nên từ lòng biết ơn, tưởng nhớ Anh hùng, liệt sĩ Kiều Ngọc Luân được xây dựng trong khuôn viên Trường THCS Triệu Thành, nơi anh từng chiến đấu và hy sinh. Đài tưởng niệm nhỏ, tấm bia đá khắc vắn tắt tiểu sử, một phần mộ tượng trưng, nơi học sinh, người dân, cựu chiến binh đến thăm viếng và dâng hương. Tuy không phải công trình đồ sộ nhưng đó là tấm lòng của những người lính Trung đoàn 64. Nhiều người trong số họ sau này trở thành tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, như Đại tướng Phùng Quang Thanh (khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64), Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (khi ấy là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320B)... trực tiếp chỉ đạo xây dựng tượng đài khi còn tại ngũ, cùng với các cựu chiến binh và gia đình, các đơn vị, doanh nghiệp có tâm nguyện tri ân những người đã nằm xuống.
Sau thời gian dài, tượng đài đã bắt đầu xuống cấp. Bia đá gãy, phần mộ thấp lún, nền tượng sạt lở. Nhà trường và địa phương không có nguồn để tu sửa. Tháng 6 vừa qua, Ban liên lạc Trung đoàn 64 lại một lần nữa trở về nơi cũ, nhóm họp bàn kế hoạch trùng tu đài tưởng niệm. Dự kiến sẽ có 13 hạng mục được làm lại bằng đá xanh liền khối, khắc đá bằng công nghệ CNC, với thiết kế chi tiết từ Viện Thiết kế, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật. Kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng, từ sự quyên góp tự nguyện của đồng đội, con cháu, bạn bè của những cựu chiến binh Trung đoàn 64 và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, hình ảnh người anh hùng Kiều Ngọc Luân sống mãi trong cách người ta nhắc về anh: Trong ký ức đồng đội, trong ánh mắt thành kính của học trò, thầy cô và người dân địa phương. Anh ở lại như một phần cốt cách Quảng Trị, vùng đất từng rực cháy trong khói lửa chiến tranh, từng đau thương đến tận cùng nhưng cũng đã ghi danh những người anh hùng sống mãi với thời gian.
HOÀNG VIỆT
Nguồn: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/mot-tuong-dai-binh-di-than-thuoc-trong-long-trieu-phong-838827
Bình luận (0)