Cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới đang chuyển hướng sang các lớp học. Trong khi Bắc Kinh và Washington leo thang căng thẳng bán dẫn, cuộc đấu thầm lặng nhất và ảnh hưởng lâu dài nhất lại diễn ra dưới các mái trường.  

Tại Mỹ, đào tạo AI ngày càng được quan tâm hơn, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông đã ký sắc lệnh hành pháp để thúc đẩy việc giảng dạy AI cho thanh, thiếu niên nước này. Ngày 5/5, hơn 250 CEO đã ký vào thư ngỏ, kêu gọi bắt buộc đưa AI và khoa học máy tính vào giảng dạy nhằm duy trì cạnh tranh cho đất nước. Các nỗ lực mở rộng dạy học AI mới dừng ở cấp độ tiểu bang.

Trung Quốc làm điều tương tự nhưng đi trước Mỹ một bước khi thông báo AI là môn học bắt buộc với cấp 1 và cấp 2 trên toàn quốc, kể từ năm học 2025 – 2026.

Đào tạo AI từ “búp măng non”

Theo chính sách mới, học sinh Trung Quốc cần được dạy về AI tối thiểu 8 tiếng mỗi năm. Các bài học sẽ được lồng ghép vào môn học như toán học, khoa học, tin học hoặc dưới hình thức môn học độc lập, tùy theo nguồn lực của mỗi trường.

w592xw0g.png
Từ năm học tới, học sinh Trung Quốc từ 6 tuổi sẽ được làm quen với trí tuệ nhân tạo trong nhà trường. Ảnh: Investment Monitor

Để bảo đảm nội dung AI phù hợp với lứa tuổi, Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra hướng dẫn chung: lớp 1 đến lớp 3 học cách dùng AI trong cuộc sống hàng ngày; lớp 4 đến lớp 6 làm quen với lập trình cơ bản và các dự án tự động hóa; học sinh trung học tiếp xúc mạng thần kinh, đào tạo dữ liệu và sử dụng AI có trách nhiệm.

Sáng kiến là một phần trong chiến lược phát triển AI dài hạn của Bắc Kinh, với mục tiêu trở thành siêu cường AI vào năm 2030. Chính phủ hy vọng đào tạo đội ngũ nhân lực thành thạo công nghệ, sẵn sàng cạnh tranh trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Bộ trưởng Giáo dục Huai Jinpeng nhấn mạnh vai trò của AI trong định hình tương lai xã hội, gọi đây là “lực lượng chuyển đổi trong mọi ngành công nghiệp”. Ông cũng cho biết Sách trắng đào tạo AI quốc gia sẽ sớm được ban hành, cung cấp hướng dẫn và nguồn lực cho các trường học.

Bộ sẽ hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu và startup AI để mang đến công cụ, đào tạo và nền tảng số cho lớp học. Các doanh nghiệp như Baidu, Alibaba, SenseTime được kỳ vọng đóng góp học liệu, nền tảng và trợ lý dạy học bằng AI.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn giới thiệu dòng sách giáo khoa mới tập trung vào AI, các ứng dụng được game hóa và phòng thí nghiệm học tập ảo để khuyến khích học sinh tham gia. Các nguồn lực cũng được chia theo độ tuổi và đề cao tính thực tiễn.

Nhằm giải quyết khoảng cách số thành thị - nông thôn, chính phủ cũng sẽ triển khai các chương trình đặc biệt hỗ trợ trường học ở vùng sâu, vùng xa, cộng đồng người yếu thế, bao gồm đào tạo giáo viên, quyên góp trang thiết bị.

Triển vọng của giảng dạy AI bắt buộc trong trường học

Cách tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc với giáo dục AI có một vài điểm chung. Xây dựng kiến thức và kỹ năng AI nằm trong số các ưu tiên xã hội và chiến lược cao nhất. Các chương trình giảng dạy đều bao trùm toán học, khoa học, đạo đức nhằm cải thiện kỹ năng công nghệ và thúc đẩy tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề. Hai nước cũng khuyến khích hợp tác công – tư như một cách nhanh nhất để tiếp cận công nghệ và xóa khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành AI.

a4dmc2zk.png
Hàng trăm CEO Mỹ kêu gọi nước này đưa AI và khoa học máy tính vào chương trình giảng dạy bắt buộc. Ảnh: Engineerine

Theo Tiến sĩ Jovan Kurbalija, Giám đốc điều hành DiploFoundation, Giám đốc Nền tảng Internet Geneva, cuộc đua dẫn đầu trong đào tạo AI giữa Mỹ và Trung Quốc khá hứa hẹn. Đầu tiên, nó nhấn mạnh AI không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn là lực lượng có tính chuyển đổi, định hình tương lai của việc làm, giao tiếp, xã hội. Ưu tiên đào tạo AI đồng nghĩa đầu tư vào vốn trí tuệ cần thiết để phát triển trong thế giới tự động hóa.

Hơn nữa, AI có thể tăng cường các phương pháp giảng dạy và sư phạm, cung cấp trải nghiệm học tập cá nhân hóa phù hợp với mỗi học sinh. Từ hệ thống gia sư thông minh điều chỉnh với tốc độ của người học cho đến các phân tích dựa trên AI để xác định điểm nào cần cải thiện, tiềm năng nâng cao kết quả đào tạo là rất lớn. Như vậy, AI có thể trở thành cơ hội để củng cố tư duy phản biện và tính sáng tạo cho học sinh.

Tiến sĩ Kurbalija chỉ ra, bản chất tự nhiên của giáo dục là hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Do đó, khi các nước muốn chạy đua với nhau, họ có thể nhận ra giá trị của sự chia sẻ những thực hành, nghiên cứu và nguồn lực tốt nhất trong đào tạo AI. Tinh thần này thể hiện rất rõ trong giới khoa học và công nghệ. Chẳng hạn, các nhà phát triển DeepSeek của Trung Quốc mở mã nguồn để phục vụ thế giới, hay các sinh viên Thượng Hải và Silicon Valley cùng nhau vá lỗi thông qua các nền tảng nguồn mở.

Nhìn chung, các động thái gần đây của Mỹ và Trung Quốc, cũng như một số quốc gia khác như Brazil, Hàn Quốc, Singapore, UAE cho thấy tương lai nơi học AI quan trọng không kém học đọc, học viết. Khi AI ngày càng gắn liền với cuộc sống hàng ngày, những nước ưu tiên kiến thức AI ngày hôm nay có thể đạt được lợi thế chiến lược vào ngày mai trong mọi thứ, từ kinh tế đến an ninh quốc gia.

'Chúng ta phải chuẩn bị cho con trẻ trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo'Ngày 5/5, hơn 250 CEO Mỹ đã ký tên vào thư ngỏ đề nghị đưa trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học máy tính thành môn học bắt buộc trong mọi nhà trường.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/my-trung-quoc-chuyen-huong-cuoc-dua-ai-de-gianh-loi-the-chien-luoc-2398736.html