Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

NASA ghi lại 'cầu vồng vũ trụ' tuyệt đẹp trong ánh sáng hoàng đạo

Sứ mệnh PUNCH của NASA vừa công bố những hình ảnh đầu tiên, trong đó nổi bật là bức ảnh mô phỏng một 'cầu vồng' đầy màu sắc từ ánh sáng hoàng đạo, một hiện tượng phát sáng yếu ớt do bụi vũ trụ phản chiếu ánh sáng Mặt trời.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ16/05/2025

NASA - Ảnh 1.

Bức ảnh mô phỏng một "cầu vồng" đầy màu sắc từ ánh sáng hoàng đạo, một hiện tượng phát sáng yếu ớt do bụi vũ trụ phản chiếu ánh sáng Mặt trời - Ảnh: NASA

Theo Space, thiết bị WFI-2 trên một trong bốn vệ tinh thuộc sứ mệnh PUNCH (Polarimeter to Unify the Corona and Heliosphere) của NASA đã lần đầu tiên chụp ảnh thông qua ba kính phân cực liên tiếp, tạo nên một bức ảnh ấn tượng, cho thấy sự phân cực của ánh sáng hoàng đạo.

Mặc dù không phải là cầu vồng thật theo nghĩa quang học, bức ảnh vẫn hiển thị dải màu chuyển từ đỏ ở bên trái, qua xanh lá ở giữa và xanh lam ở bên phải, nổi bật giữa nền trời sao. Đây là ảnh mô phỏng màu sắc dựa trên dữ liệu bước sóng ánh sáng, qua đó cho thấy khả năng phân tích đa chiều của thiết bị trong việc nghiên cứu bụi vũ trụ và bầu khí quyển của Mặt trời.

PUNCH là một sứ mệnh quan sát Mặt trời mới của NASA, được phóng lên quỹ đạo Trái đất ngày 11-3-2025. Dự án bao gồm bốn vệ tinh nhỏ hoạt động đồng bộ, có nhiệm vụ chụp ảnh và thu thập dữ liệu về vành nhật hoa, lớp ngoài cùng của khí quyển Mặt trời, cũng như gió Mặt trời, dòng hạt tích điện liên tục được Mặt trời phóng ra không gian.

Trong đó một vệ tinh được trang bị kính Narrow Field Imager (NFI) chuyên chặn ánh sáng mạnh từ Mặt trời để quan sát chi tiết vành nhật hoa, ba vệ tinh còn lại sử dụng các kính Wide Field Imagers (WFI) để thu lại ánh sáng yếu ở rìa ngoài của vành nhật hoa và gió Mặt trời.

NASA ghi lại 'cầu vồng vũ trụ' tuyệt đẹp trong ánh sáng hoàng đạo - Ảnh 2.

Camera NFI của sứ mệnh PUNCH đã ghi lại hình ảnh Mặt trăng non khi nó đi ngang qua Mặt trời trên bầu trời. Trong bức ảnh, Mặt trăng non trông giống như tròn đầy vì được chiếu sáng bởi “ánh sáng địa cầu”, hiện tượng ánh sáng Mặt trời phản chiếu từ Trái đất lên Mặt trăng - Ảnh: NASA

Cũng trong giai đoạn hiệu chỉnh thiết bị hồi tháng 4, kính NFI đã ghi lại được hình ảnh Mặt trăng non đi ngang qua Mặt trời. Nhờ sử dụng tấm chắn (occulter) để che khuất đĩa Mặt trời, thiết bị đã chụp lại hình ảnh Mặt trăng được chiếu sáng bởi ánh sáng Trái đất (Earthshine), giúp đội ngũ khoa học xác nhận rằng Mặt trăng sẽ không ảnh hưởng đến tầm nhìn của các thiết bị trong sứ mệnh.

Ngày 16-4, hai kính WFI-1 và WFI-3 cũng ghi nhận ánh sáng hoàng đạo với độ chính xác cao, kèm theo hình ảnh của những cụm sao quen thuộc như Hyades, Pleiades và cả thiên hà Andromeda.

Những hình ảnh này không chỉ là thành công bước đầu trong quá trình kiểm tra và hiệu chuẩn thiết bị, mà còn cung cấp dữ liệu quan trọng phục vụ nghiên cứu cấu trúc của bụi vũ trụ và hành vi của khí quyển ngoài cùng của Mặt trời.

Theo NASA, bằng việc sử dụng phương pháp phân cực ánh sáng để tái tạo hình ảnh ba chiều về vành nhật hoa và gió Mặt trời, PUNCH hứa hẹn mở ra bước tiến mới trong lĩnh vực vật lý thiên văn, đặc biệt là hiểu biết về thời tiết không gian.

Các dữ liệu từ sứ mệnh sẽ góp phần hoàn thiện các mô hình dự báo bão Mặt trời, giúp bảo vệ hệ thống vệ tinh, lưới điện và hạ tầng thông tin liên lạc trên Trái đất khỏi những sự kiện nhiễu loạn từ không gian.

Trở lại chủ đề
MINH HẢI

Nguồn: https://tuoitre.vn/nasa-ghi-lai-cau-vong-vu-tru-tuyet-dep-trong-anh-sang-hoang-dao-20250516090418718.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm