Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành Ngân hàng: Động lực cho tăng trưởng bền vững

Dòng vốn tín dụng của ngành Ngân hàng đã và đang đóng vai trò huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp. Không chỉ tiếp sức cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, tín dụng ngân hàng còn góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo an sinh và tạo nền tảng bền vững trong điều kiện tái cơ cấu mô hình quản lý mới.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang25/07/2025

“ĐÒN BẨY” PHỤC HỒI VÀ TĂNG TRƯỞNG

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến động, Đồng Tháp vẫn nổi lên là một điểm sáng với tốc độ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững. Theo đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 7,16%, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Kết quả này không chỉ phản ánh năng lực điều hành linh hoạt, hiệu quả của tỉnh, mà còn là minh chứng rõ ràng cho vai trò thiết yếu của ngành Ngân hàng - dòng vốn huyết mạch đang tiếp sức mạnh mẽ cho nền kinh tế địa phương.

Nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng được ví như “bệ đỡ vô hình”, nhưng lại hiện diện rõ rệt trong từng chuyển động của kinh tế - xã hội tỉnh nhà, tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, dòng vốn đã góp phần thúc đẩy thành lập 1.217 doanh nghiệp mới với tổng vốn đăng ký hơn 8.185 tỷ đồng. Sự bùng nổ trong hoạt động doanh nghiệp này kéo theo tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực công nghiệp - xây dựng (tăng 10,54%) và thương mại - dịch vụ (tăng 7,53%).

Đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam tặng hoa chúc mừng và ra mắt Ban lãnh đạo NHNN chi nhánh Khu vực 13.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam tặng hoa chúc mừng và ra mắt Ban lãnh đạo NHNN chi nhánh Khu vực 13.

Không chỉ tiếp sức cho sản xuất, kinh doanh, dòng vốn tín dụng còn là động lực lớn trong đầu tư và xuất khẩu. Trong đó, tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng vào con số 35.525 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước 18,21% so với cùng kỳ và đạt 62,74% dự toán năm chỉ sau 6 tháng.

Đặc biệt, dòng vốn tín dụng đã trở thành công cụ hữu hiệu để thực hiện các mục tiêu an sinh - xã hội, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 34.517 lao động; hỗ trợ triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 942 sản phẩm được công nhận. Đồng thời, chung tay cùng tỉnh thực hiện thành công mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho 2.767 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Đây là dấu ấn nhân văn, khẳng định mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Góp phần trực tiếp vào những kết quả đó chính là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 13 - đơn vị điều hành chính sách tiền tệ tại địa phương, đã làm tốt vai trò huy động và cung ứng vốn. Theo thống kê, tại Đồng Tháp, nguồn vốn huy động đạt 193.216 tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2024 và dư nợ tín dụng đạt 232.690 tỷ đồng, tăng 3,37% so với cuối năm 2024.

Đáng chú ý, chiến lược điều hành dòng vốn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Thay vì tăng trưởng dàn trải, ngành Ngân hàng đã có sự ưu tiên rõ nét, có trọng tâm. Việc định hướng hơn 61% tổng dư nợ vào lĩnh vực “nông nghiệp, nông thôn” chính là minh chứng thuyết phục nhất cho chiến lược này, khẳng định cam kết đồng hành của ngành với trụ đỡ kinh tế của tỉnh. Cụ thể như chương trình cho vay liên kết sản xuất lúa - gạo chất lượng cao đã có doanh số giải ngân hơn 277 tỷ đồng. Song song đó, việc kiểm soát tốt rủi ro với tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức rất thấp, chỉ chiếm 2,54% trên tổng dư nợ, đã cho thấy sự quản trị an toàn, hiệu quả và bền vững của hệ thống. Tín dụng được định hướng ưu tiên theo chiều sâu, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đầu tư của nền kinh tế địa phương.

CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT, HIỆU QUẢ

Dưới góc nhìn chiến lược, đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam đã chỉ rõ định hướng điều hành trong giai đoạn tới đối với NHNN chi nhánh Khu vực 13: Trước hết, cần khẩn trương kiện toàn tổ chức Đảng theo mô hình tổ chức mới, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong đảng viên, công chức và người lao động trong việc triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Chăm lo xây dựng đội ngũ công chức vững về lập trường chính trị, tư tưởng, mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ, để làm nên sức mạnh tổng hợp thực hiện hoàn thành mọi chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.

NHNN chi nhánh Khu vực 13 được thành lập theo Quyết định 313/QĐ-NHNN ngày 24-2-2025, trên cơ sở hợp nhất NHNN chi nhánh tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Trà Vinh.

Sau khi sắp xếp lại theo Quyết định 2313/QĐ-NHNN ngày 16-6-2025 của Thống đốc NHNN, NHNH chi nhánh Khu vực 13 được điều chỉnh quản lý thêm địa bàn tỉnh Đồng Tháp (cũ) trước đây thuộc NHNN chi nhánh Khu vực 15 và tỉnh Tây Ninh (cũ) trước đây thuộc NHNN chi nhánh Khu vực 12. Địa bàn tỉnh Bến Tre (cũ) và tỉnh Trà Vinh (cũ) sẽ chuyển về thuộc quản lý của NHNN Khu vực 14.

Hiện NHNN chi nhánh Khu vực 13 có trụ sở đặt tại tỉnh Đồng Tháp (mới), có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NHNN thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn 2 tỉnh (mới) Đồng Tháp và Tây Ninh.

Giám đốc NHNN Khu vực là người chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện mọi mặt của NHNN Khu vực, cần chủ động trong bố trí, sắp xếp, phân bổ nguồn lực, nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy để NHNN Khu vực đi vào hoạt động đảm bảo liên tục, thông suốt, an toàn, hiệu lực, hiệu quả; không bỏ sót lĩnh vực, địa bàn quản lý, không gián đoạn công việc trong tất các các mặt nghiệp vụ. Cùng với đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, cải cách hành chính trong hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế - xã hội và tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong khu vực được giao quản lý để kịp thời chủ động xử lý và tham mưu đề xuất xử lý các nhiệm vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

NHNN Khu vực cần tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong khu vực để thực hiện tốt chức năng quản lý hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn; rà soát, phân công các đồng chí trong Ban lãnh đạo NHNN Khu vực theo dõi từng địa bàn, tham gia các ban chỉ đạo theo yêu cầu của địa phương; rà soát, xây dựng quy chế phối hợp đối với chính quyền địa phương đảm bảo triển khai thông suốt các hoạt động; chủ động phối hợp với các sở, ngành thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình tín dụng... tại địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

NHNN Khu vực lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả; kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, cùng chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong khu vực, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực; tăng cường theo dõi, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các TCTD, chi nhánh TCTD, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các TCTD từng địa bàn theo mô hình mới.

Ban lãnh đạo NHNN Khu vực phải nhanh chóng nắm bắt, chỉ đạo các bộ phận tham mưu, có định hướng trong công tác quản lý giám sát các TCTD trên địa bàn, đặc biệt là kịp thời phát hiện những bất thường trong việc cấp tín dụng ngoài địa bàn, chuyển dư nợ từ địa bàn khác về... để kịp thời cảnh báo, xử lý rủi ro từ sớm, từ xa, không để xảy ra vấn đề đối với hệ thống ngân hàng trên địa bàn. 

Ngoài ra, NHNN Khu vực cần triển khai thực hiện tốt công tác kho quỹ trên địa bàn, nắm bắt sát tình hình thu, chi tiền mặt trên địa bàn thuộc khu vực quản lý; đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt cho các TCTD trong khu vực; tổ chức xuất, nhập, bảo quản, kiểm kê tiền mặt, tài sản trong kho tiền khu vực, kho tiền vệ tinh, đảm bảo an toàn tuyệt đối theo đúng quy định hiện hành, hướng dẫn nghiệp vụ phát hành, kho quỹ theo quy định mới về cơ cấu tổ chức của NΗΝΝ.

LÊ MINH

Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202507/nganh-ngan-hang-dong-luc-cho-tang-truong-ben-vung-1047298/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm