Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người bệnh cần lưu ý gì khi được phát thuốc ngoại trú hơn 30 ngày?

Người bệnh được phát thuốc dài ngày cần lưu ý việc bảo quản thuốc, tuân thủ uống thuốc đúng giờ và tái khám ngay nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai04/07/2025

Lợi ích cấp phát thuốc hơn 30 ngày

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định về đơn thuốc và việc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh số 26/2025/TT-BYT ngày 30/6/2025.

Theo đó, Thông tư ban hành Danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày gồm 252 bệnh, nhóm bệnh. Đối với bệnh thuộc Danh mục này, người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày.

Như vậy, trường hợp các tài liệu làm căn cứ kê đơn thuốc như tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, dược thư quốc gia Việt Nam không có hướng dẫn về số ngày sử dụng thuốc, người kê đơn có căn cứ để quyết định kê đơn đến 90 ngày cho người bệnh phù hợp.

thuoc-bao-hiem-4838.jpg

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhóm bệnh mạn tính có đặc điểm là người già, sống phụ thuộc, thu nhập thấp; người có nhiều bệnh đồng mắc, dùng nhiều thuốc, khả năng đi lại hạn chế.

Vì vậy, sự ra đời của Thông tư 26/2025 được sự đón nhận tích cực của cả nhân viên y tế và người bệnh.

Chuyên gia nội tiết này cho rằng, việc kê đơn trên 30 ngày giúp giảm số lần, và thời gian đi đến bệnh viện, phòng khám của bản thân và người nhà; tiết kiệm chi phí đi lại, ăn uống dọc đường; hạn chế nguồn lây nhiễm tại bệnh viện hoặc trên phương tiện giao thông công cộng; hạn chế ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, thời tiết xấu.

"Đơn thuốc được ổn định, không bị thay đổi trong ít nhất 2-3 tháng, sẽ làm tăng tính tuân thủ điều trị", bác sĩ Bảy cho hay.

Cần phân loại đối tượng bệnh nhân để cấp thuốc phù hợp

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy, có một số điểm các bác sĩ có chút quan ngại trong quản lý bệnh nhân trong diện được kê đơn dài ngày.

Đầu tiên, những người được phát thuốc dài ngày có thể có tâm lý chủ quan nghĩ là bệnh đã ổn định nên không theo dõi tình trạng bệnh (như đo đường máu, huyết áp), không tập luyện thể dục hàng ngày, ăn uống thất thường, đặc biệt là uống thuốc không đều, thậm chí bỏ thuốc.

Do không được tư vấn, giáo dục sức khỏe thường xuyên; không được bác sĩ thăm khám nên người bệnh dễ bị bỏ sót các dấu hiệu nặng; quên ngày khám lại dẫn đến tình trạng hết thuốc.

Những người có nhiều bệnh mạn tính, điều trị ở các bệnh viện/chuyên khoa khác nhau thì có thể có thuốc còn nhưng có thuốc lại bị hết.

Để triển khai việc này một cách hiệu quả, bác sĩ Bảy cho rằng, các cơ sở y tế phải chuẩn bị đủ cơ số thuốc để cấp cho người bệnh, có thể nhiều gấp 2-3 lần bình thường. Kèm theo đó là nhân lực phục vụ, điều phối khám bệnh và cấp phát thuốc. Đồng thời, phải bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin thông suốt, kết nối phòng khám-kho thuốc-điểm phát thuốc và nhà thuốc; hệ thống biển báo, hướng dẫn bệnh nhân.

Đặc biệt, các bác sĩ tại khoa khám bệnh phải nghiên cứu kỹ danh mục bệnh, trao đổi kỹ lưỡng với bệnh nhân và người nhà xem trường hợp cụ thể nào có thể kê đơn 30 hay 60 hay 90 ngày.

Đồng thời, bác sĩ khám cần lên lịch hẹn chi tiết ngày giờ khám lại, hướng dẫn người bệnh đi khám đúng hẹn; cung cấp số hotline, các số zalo… để người bệnh liên hệ khi có thắc mắc hoặc có bất thường về sức khỏe.

Bác sĩ Bảy khuyến cáo, bệnh mạn tính nghĩa là bệnh kéo dài, sự ổn định chỉ là tạm thời, người mắc bệnh mạn tính thường là người già, có nhiều bệnh… nên để duy trì bệnh ở tình trạng ổn định, sức khỏe tốt thì cần: Đọc kỹ đơn thuốc trước khi rời bệnh viện, nếu có gì chưa hiểu cần trao đổi ngay với bác sĩ khám bệnh hoặc dược sĩ phát thuốc.

Đặc biệt, những người được phát thuốc dài ngày cần lưu ý việc bảo quản thuốc. "Do lĩnh được nhiều thuốc nên có nguy cơ để lẫn các loại thuốc, nhất là khi trong gia đình có 2-3 người mắc bệnh mạn tính. Những bệnh nhân đái tháo đường điều trị insulin thì cần có tủ lạnh bảo quản thuốc vì các loại insulin chỉ có thể để ở nhiệt độ thường dưới 4 tuần", bác sĩ Bảy nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng lưu ý người bệnh tuân thủ tiêm hoặc uống thuốc đầy đủ, đúng giờ: để thuốc cạnh bàn ăn hay tại phòng ngủ; đặt chuông điện thoại nhắc giờ; theo dõi thường xuyên các thông số nhịp tim, huyết áp, đường máu tại nhà hoặc tại nhà thuốc hoặc trạm y tế xã/phường.

Lưu ý liên hệ ngay với bác sĩ hoặc hotline của các bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc khi bị mắc thêm bệnh khác. Có thể đi khám lại ngay mà không chờ đủ 60 hay 90 ngày theo hẹn; chủ động đặt lịch khám trước 3-5 ngày qua số hotline hoặc app khám bệnh của các bệnh viện.

nhandan.vn

Nguồn: https://baolaocai.vn/nguoi-benh-can-luu-y-gi-khi-duoc-phat-thuoc-ngoai-tru-hon-30-ngay-post647956.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm