Ngôi nhà dài của gia đình ông Y Bhiông Buôn Yă (43 tuổi, buôn Kmơng Prông B, phường Tân An, tỉnh Đắk Lắk) là điểm yêu thích của nhiều đoàn du khách đến tìm hiểu trải nghiệm. Qua đó, mang lại một nguồn thu nhập cho gia đình ông. Không những thế, còn tạo sinh kế cho nhiều gia đình trong buôn.
![]() |
Ông Y Bhiông (bìa trái) dẫn du khách đi trải nghiệm. |
Ông Y Bhiông cho biết, từ khi nhận thấy có nhiều đoàn du khách tò mò về kiến trúc nhà dài và các nét văn hoá của người tộc Ê đê, ông đã tìm hiểu và triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại chính ngôi nhà dài của gia đình.
Lúc đầu chỉ có vài đoàn du khách nhỏ đến tìm hiểu, sau đó số lượng khách tìm đến tăng dần. Ông phải mượn thêm nhà dài của bà con trong buôn để phục vụ. Hiện, ông đã dành dụm được một khoản để làm thêm một căn nhà dài.
Du khách không chỉ tò mò về nhà dài, họ còn muốn khám phá các nét văn hoá và mong muốn được thưởng thức các món ẩm thực của người dân tộc Ê đê. Bà con trong buôn cùng với ông Y Bhiông tham gia vào hoạt động du lịch.
![]() |
Ông Y Bhiông đang hoàn thiện ngôi nhà của mình để đón du khách. |
Theo ông Y Bhiông, trước đây, bà con chỉ biết làm nương rẫy, thu nhập cũng không được bao nhiêu, nhiều gia đình phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Bây giờ, bà con tận dụng những vốn văn hoá, tiềm năng nơi mình sinh sống để nâng cao thu nhập.
Ông Y Bhiông chia sẻ, du khách đến đây thích những món dân dã, nhiều gia đình có quỹ đất họ đã trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm. Nghề truyền thống được bà con vực dậy giới thiệu đến khách tham quan. Qua đó, không những tạo thêm thu nhập mà còn giữ gìn phát huy, quảng bá nét đẹp văn hoá của dân tộc mình tới mọi người.
Chị H'Belly Êban (buôn Tuôr, xã Hòa Phú, tỉnh Đắk Lắk) đã dựng một ngôi nhà dài để đón khách đến lưu trú. Chị còn tổ chức các tour du lịch trải nghiệm đời sống người Êđê như nấu ăn, ngồi xe công nông đi rẫy,…
Chị kể, ngày nhỏ, bố mẹ chị thường đón bạn bè từ nước ngoài về thăm buôn. Họ thích thú với không gian sinh hoạt đặc trưng của người Ê đê. Ngày ấy, bà con ở buôn chị sống khép kín, ngày hai buổi làm quần quật trên nương rẫy. Lớn lên, chị mong muốn giới thiệu nét văn hoá của dân tộc mình tới mọi người và giúp người dân buôn chị phát triển kinh tế.
![]() |
Chị H'Belly giới thiệu về không gian lưu trú của gia đình. |
Theo cách riêng của mình, chị H'Belly tận dụng phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, giúp bà con cởi mở, biết cách làm ăn nâng cao thu nhập. Trước đây, đội cồng chiêng chỉ biểu diễn vào các dịp lễ cúng, lễ hội của buôn. Nhưng bây giờ, du khách có nhu cầu thưởng thức, họ được mời đi biểu diễn. Từ hoạt động này mang lại cho họ một nguồn thu nhập đáng kể.
Chàng trai trẻ Y Xim Ndu (xã Đắk Liêng, tỉnh Đắk Lắk) đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Quyết tâm làm du lịch gắn với văn hóa bản địa, Y Xim mở tour du lịch trải nghiệm trên mảnh đất quê hương với hành trình khám phá thiên nhiên, văn hóa và con người nơi đây.
![]() |
Du khách thích thú và ấn tượng với nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk. |
Cùng với đó, anh chủ động liên kết với các hợp tác xã về những nghề và làng nghề truyền thống để tổ chức tour cho du khách trải nghiệm. Hướng đi của anh đã tạo việc làm và hỗ trợ nhiều người dân bản địa có thêm nguồn thu nhập, góp phần thay đổi cuộc sống.
Chị Nguyễn Quỳnh Như (du khách Đà Nẵng) chia sẻ, tôi và mọi người thích thú khi được khám phá các buôn làng M’nông, trải nghiệm làm gốm, dệt thổ cẩm, thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân tộc thiểu số nơi đây.
Nguồn: https://tienphong.vn/nguoi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-phat-trien-kinh-te-tu-ban-sac-van-hoa-truyen-thong-post1758252.tpo
Bình luận (0)