Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người già, trẻ em dồn dập nhập viện vì nắng nóng

Những ngày qua, TPHCM và các tỉnh phía Nam bước vào những ngày nắng nóng gay gắt, nhiều người nhập viện vì các bệnh tiêu hóa, viêm hô hấp trên, say nắng, say nóng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhóm đối tượng nguy cơ cao nếu không có biện pháp phòng tránh phù hợp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng18/05/2025

Người bệnh vật vã, kiệt sức

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận nam bệnh nhân (34 tuổi, lái xe công nghệ) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi kéo dài, tim đập nhanh, vã mồ hôi nhiều. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết người bệnh kiệt sức do làm việc ngoài trời dưới nắng nóng dẫn đến mất nước kéo dài. Người bệnh được khuyến cáo nghỉ ngơi, điều chỉnh sinh hoạt.

BS-CK2 Kiều Xuân Thy, Phó Trưởng cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 20-30 ca đến khám do ảnh hưởng của nắng nóng. Hầu hết người bệnh trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức sau thời gian làm việc dài ngoài trời nắng.

Còn tại Bệnh viện Nhân dân 115, BS-CK1 Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, những ngày qua số lượng bệnh nhân cao tuổi nhập viện tăng cao hơn so với cùng kỳ do thời tiết nắng nóng kéo dài. Đa phần là các bệnh lý viêm đường hô hấp trên hoặc bệnh lý đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, tiêu chảy mất nước.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, theo ghi nhận của phóng viên trưa 17-5 tại Khoa Khám bệnh vẫn còn rất đông phụ huynh cùng trẻ chờ đến lượt khám bệnh. Cầm tạm xấp hóa đơn và phiếu chỉ định để quạt mát cho con, chị Nguyễn Thị Hoài (mẹ của bệnh nhi T.T.T.Tr., 17 tháng tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, những ngày qua bé bị nôn, ói và ăn kém vì trời nắng nóng. Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu năm đến nay số lượng bệnh nhi đến khám về các mặt bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng dao động 15.000-26.000 trẻ/tháng, tương đương khoảng từ 600-900 lượt khám/ngày.

CN1b.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM thăm khám cho bệnh nhi

BS-CK2 Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, với thời tiết nắng nóng gay gắt những ngày qua, số lượt trẻ đến khám tại bệnh viện gia tăng, chủ yếu là bệnh hô hấp (viêm phế quản, viêm họng...), rối loạn tiêu hóa và các bệnh về da, bị sốc nhiệt.

Chủ động phòng tránh

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, dự báo thời gian tới, thời tiết còn nắng nóng kéo dài và sẽ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm thường gặp như viêm não Nhật Bản, viêm màng, tay chân miệng, thủy đậu và các bệnh về da (rôm, sảy, viêm da dị ứng gây ngứa, chàm )… Nắng nóng có thể làm trầm trọng các bệnh lý mạch máu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (như từ ngoài trời nắng vào phòng lạnh) có thể khiến mạch máu co thắt, huyết áp biến động dẫn đến tai biến nghiêm trọng.

Để phòng các bệnh trong mùa nắng nóng, BS-CK1 Trương Thị Ngọc Phú, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo, phụ huynh tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân tốt; bổ sung lượng nước cần thiết và hạn chế cho trẻ chơi quá lâu dưới thời tiết nắng nóng vì dễ gây mất nước, suy kiệt và dễ nhiễm bệnh. Nếu phải hoạt động ngoài trời nên hướng dẫn che chắn cho trẻ cẩn thận (đội mũ, áo dài tay…), tránh những thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao và tia cực tím hoạt động mạnh trong ngày (khung giờ từ 10-14 giờ)…

Còn theo BS-CK1 Phạm Thị Thanh Hằng, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115, thời tiết nắng nóng kéo dài người dân cần bổ sung nước đúng cách bằng cách uống 2-3 lít nước/ngày, bổ sung nước điện giải nếu đổ mồ hôi nhiều. Sử dụng quạt, điều hòa ở mức 26-280C, tránh chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong nhà và ngoài trời.

Đối với người lao động ngoài trời cần bố trí giờ làm việc hợp lý, nên làm việc sớm hoặc muộn, tránh thời gian nắng gay gắt, nghỉ giải lao và đảm bảo uống đủ nước nếu công việc làm ngoài trời thời gian dài. Người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường cần kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, tránh mất nước gây nguy cơ đột quỵ.

“Khi phát hiện một người choáng váng, đau đầu, buồn nôn, da đỏ hoặc tái, mồ hôi đổ nhiều hoặc ngược lại da khô nóng, tim đập nhanh, thở dốc, lơ mơ… cần di chuyển người bệnh đến nơi râm mát, thông thoáng; cởi bớt quần áo, lau mát cơ thể bằng khăn ẩm; uống nước từ từ, tránh uống dồn dập. Đồng thời, gọi cấp cứu nếu nghi ngờ sốc nhiệt, tuyệt đối không để người bệnh tự di chuyển”, BS-CK1 Phạm Thị Thanh Hằng khuyến cáo.

Theo BS-CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện bệnh viện đang điều trị cho 32 ca viêm màng não, trong đó ghi nhận 4 trường hợp đã gặp biến chứng tụ mủ. Đây là một bệnh cấp cứu nội khoa, viêm lớp màng bao bọc não.

Bệnh thường gặp ở trẻ em, không được tiêm chủng đầy đủ. Dấu hiệu nhận biết viêm màng não ở trẻ nhũ nhi gồm: bú kém, quấy khóc nhiều, sốt, lừ đừ, đi ngoài phân nhầy có máu, sốt… Đối với trẻ lớn, các triệu chứng thường là đau đầu, sốt, ói, sợ ánh sáng, tiêu chảy, cổ cứng.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nguoi-gia-tre-em-don-dap-nhap-vien-vi-nang-nong-post795720.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm