
Cách trung tâm tỉnh Lâm Đồng khoảng 50 km, xã Đưng K’nớ (cũ) có tổng diện tích tự nhiên gần 19.860 ha, trong đó hơn 90% diện tích là đất rừng. Nơi đây có trên 94% dân số là đồng bào dân tộc K’Ho sinh sống với cây trồng chủ yếu là cà phê. Khoảng 10 năm trước, nhãn hiệu cà phê Arabica Lạc Dương đã được cấp cho một số tổ chức và cá nhân có đủ các điều kiện quy định, sau đó nhân rộng trên địa bàn toàn huyện Lạc Dương cũ - như một cách để khẳng định uy tín, vị thế của nhãn hiệu cà phê Arabica đối với thị trường nội địa nói riêng, đối với thị trường quốc tế nói chung.
Trong số gần 4.000 ha cà phê của toàn huyện Lạc Dương cũ, xã Đưng K’nớ có tổng diện tích khoảng trên 900 ha với sản lượng trung bình đạt trên 400 tấn nhân xanh. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng cà phê từ năm 1996 đến nay với lối canh tác truyền thống, chủ yếu chăm bón bằng phân chuồng, hạn chế sử dụng các thành phần hóa học.
Đó cũng là lý do chính để dù năng suất không cao nhưng những hạt cà phê Arabica ở núi rừng Đưng K’nớ vẫn căng tròn, mang hương vị đặc trưng, đậm đà, hậu vị khó quên và đặc biệt rất phù hợp để làm nguyên liệu chế biến cà phê Arabica chất lượng cao.
Một trong những người tiên phong làm nên thương hiệu Coffee K’nớ ở nơi này chính là anh Phi Srôn Ha Pôl (thôn K’nớ 1). Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, được đi học và quay trở về cống hiến cho quê hương, từ chính lòng mình, anh Ha Pôl ấp ủ việc tạo dựng được một thương hiệu riêng cho những hạt cà phê gắn bó với tuổi thơ của biết bao đứa trẻ như mình.
Theo anh Ha Pôl, trước đây, người nông dân chủ yếu tự sản xuất và bán cà phê tươi, cà phê nhân cho một số thương lái ở địa phương. Khi đó, phương thức chăm sóc cà phê vẫn là kiểu cũ, làm theo thói quen và điều kiện của từng gia đình. Chất lượng hạt cà phê cũng không đồng đều dẫn đến việc thường xuyên bị đánh giá chất lượng thấp, ép giá. Sau này, một số công ty đã tìm đến và đánh giá rất cao vùng nguyên liệu ở Đưng K’nớ, họ bắt tay vào hướng dẫn nông dân quy trình trồng cà phê chuẩn hơn, cách chăm sóc, thu hái. Nhờ đó, hoạt động sản xuất cà phê của người dân trên địa bàn xã ngày càng đi vào quy củ.
“Một trong những yếu tố làm nên hương vị đặc biệt cho cà phê K’nớ chính là việc mảnh đất này được bao phủ bởi 90% là rừng tự nhiên, độ cao trung bình so với mực nước biển trên 1.500 m, lượng mưa trung bình trên 2.000 mm, mưa phân bổ từ tháng 4 đến tháng 1 năm sau, sương mù quanh năm. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ của một vùng đất còn hoang sơ đã sản sinh những hạt cà phê không chỉ đậm đà mà còn lưu giữ tinh thần kiên cường và sự chân chất, mộc mạc của người Cil bản địa”, anh Ha Pôl kể.
Từng hạt cà phê được thu hái bằng tay bởi chính đôi bày tay của những người nông dân trên các sườn đồi dốc nghiêng, sau đó trải qua quy trình sơ chế truyền thống: phơi nắng hoặc lên men tự nhiên, rồi được rang bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo độ đồng đều, giữ nguyên các tầng hương thơm. Và trong các nếp nhà xuất hiện hình ảnh cả gia đình từ người già đến người trẻ ngồi cần mẫn lựa từng nhân cà phê để loại bỏ hạt xấu, nhặt sạn… Đó là những điều chưa từng xuất hiện ở vùng quê vốn heo hút này.
“Mỗi tách cà phê mang theo một câu chuyện, là một lát cắt của núi rừng”, anh Ha Quynh - chủ thương hiệu IQ Bidoup Coffee nói. Cũng giống như Coffee K’nớ, IQ Bidoup Coffee được anh Ha Quynh chăm bón từ những ngày đầu tiên, dưới những tán thông xanh. Trên diện tích 3 ha của gia đình mình, anh Ha Quynh trồng theo hướng hữu cơ với tất cả tình yêu của mình với vùng đất đỏ bazan của Tây Nguyên. Dù mới chỉ manh nha và sản lượng chế biến hàng năm chưa cao, nhưng khi được khách hàng đón nhận, niềm vui của các anh như được tiếp thêm mỗi ngày.
Ngoài việc chăm chỉ mày mò các phương thức chế biến và rang cà phê, các anh còn chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, lan tỏa thông điệp về cà phê K’nớ đến với khách hàng trên khắp cả nước. Đến nay, cả 2 sản phẩm đã được UBND huyện Lạc Dương cũ công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Thông qua nhiều kênh khác nhau, từng hạt cà phê từ những triền đồi của K’nớ đã theo chân khách hàng có mặt trên thị trường của các nước phát triển như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, châu Âu, các Tiểu vương quốc Ả Rập…
Những ngày này, màn sương mờ vẫn bao phủ quanh mảnh đất và con người K’nớ nhưng trong lòng của mỗi người đều đang ấp ủ cho mình những dự định tốt hơn. Khoảng cách từ K’nớ về trung tâm xã giờ đây cũng không còn xa nữa. Từ đó, giấc mơ của những người làm cà phê ở K’nớ sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, thuận lợi hơn trong việc góp phần tạo dựng vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường.
Hồng Thắm
Nguồn: https://baolamdong.vn/nguoi-k-ho-lam-ca-phe-tu-nui-doi-k-no-381421.html
Bình luận (0)