Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người thương binh trong nghĩa trang

Bố tôi, người thương binh bước ra từ khói lửa chiến tranh hơn năm mươi năm về trước. Cũng như những người may mắn trở về, suốt bao nhiêu năm qua, bố tôi luôn đau đáu nỗi niềm về chiến trường, đồng đội,…

Báo Long AnBáo Long An27/07/2025

Ảnh minh họa (AI)

Bố tôi, người thương binh bước ra từ khói lửa chiến tranh hơn năm mươi năm về trước. Cũng như những người may mắn trở về, suốt bao nhiêu năm qua, bố tôi luôn đau đáu nỗi niềm về chiến trường, đồng đội,… Khi có thời gian và điều kiện phù hợp, không có chương trình nhắn tìm đồng đội, cựu chiến binh nào trên đài hay báo mà bố tôi bỏ sót.

Hình ảnh những người cùng chiến tuyến đã ngã xuống trên đường hành quân hay trong từng trận đánh... từ núi rừng Trường Sơn đến Đức Huệ, Bến Cầu Ba Thu, Mộc Hóa (Tây Ninh) và cả Tà Băng Đa Boong, Bò Hóc (Campuchia) luôn ám ảnh tâm trí bố.

Suốt những ngày còn nhỏ, đêm nào chị em tôi cũng nghe bố kể những câu chuyện chiến đấu và chiến trường. Bố kể đi kể lại, kể nhiều đến nỗi chúng tôi thuộc lòng từng chi tiết nhỏ. Rồi bố dạy cả nhà học hát, đọc thơ. Những bài hát, bài thơ bố học thuộc từ chính trị viên đại đội này, trung đội trưởng kia và cả những người đồng đội: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”... “Gặp em trên cao lộng gió. Rừng lạ ào ào lá đỏ. Em đứng bên đường. Như quê hương. Vai áo bạc quàng súng trường”...

Sáng tháng 7 năm ấy, tôi đưa bố đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Hưng - Tân Hưng - nơi gần đồn biên phòng chúng tôi công tác và cũng gần gia đình tôi đang sinh sống. Đây là một trong những nghĩa trang rộng lớn và khang trang, là nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, nơi đây cũng được chọn làm nơi an nghỉ của các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước Chùa Tháp, trong cuộc chiến đấu giúp bạn ngăn chặn nạn diệt chủng Pol Pot. Cuộc chiến vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng trong lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới hiện đại.

Trong khói nhang nghi ngút quyện bay giữa những đóa sen hồng điểm tô từng ngôi mộ chí, bố tôi lần tìm, đọc tên từng đồng chí mà ông chưa từng quen biết. Đôi bàn tay già nua, sần sùi bởi bệnh ngoài da, di chứng của chất độc màu da cam chậm rãi lần sờ trên từng tấm bia mộ. Ánh nắng chiếu ngang qua vai, chốc chốc lại đưa tay quệt ngang, ngăn không cho những dòng nước mắt rơi xuống.

Tôi thấy bố dừng lại rất lâu trước những liệt sĩ quê ở tỉnh Thái Bình, hy sinh năm 1968. Nghẹn ngào trong xúc động, bố tôi kể: Nếu trận đánh vào chi khu Mộc Hóa năm Mậu Thân, hai viên đạn của quân thù không đi vào cánh tay, vào hông bên trái mà vào một chỗ nào khác trên cơ thể thì rất có thể hôm nay bố đang nằm lại đây, bên những người đồng đội. Mộc Hóa với Vĩnh Hưng, Tân Hưng là những địa danh liền nhau trong vùng Đồng Tháp Mười. Đã có biết bao chàng trai Bắc Việt vừa mới đặt chân đến nơi đây, chưa một lần được thưởng thức món canh chua bông súng, bông điên điển ngon nức tiếng đã ngã xuống dưới những bưng biền mênh mông, những rừng tràm bát ngát. Vì lạ địa hình chiến thuật, thiếu kinh nghiệm chiến đấu vùng đồng nước nên bộ đội ta hy sinh rất nhiều. Có những trận bị lộ ý định tác chiến, địch tập kích bất ngờ hay ném bom rải thảm vào đội hình hành quân, bộ đội ta gần như xóa sổ.

Trước ngôi mộ tập thể 120 liệt sĩ thuộc Sư đoàn 9, hy sinh trên biên giới Campuchia năm 1970, bố tôi không cầm được nước mắt. Bố bảo: Đây chính là sư đoàn ngày xưa của bố. Nhưng ngày ấy không gọi là sư đoàn mà là “Công trường 9”. Đơn vị quân số đông, địa bàn hoạt động rộng. Bởi vậy, rất có thể, trong ngôi mộ này là những người đồng đội đã chiến đấu chung chiến hào. Vì cũng đúng năm đó, bố tôi bị thương, được đưa từ Gia Định về điều trị bên đất Campuchia, giáp ranh huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Nếu không được phát hiện, đưa về quân y viện và cấp cứu kịp thời thì chắc bố đã nằm lại nơi đây. Những năm chiến tranh, mối trong rừng nhiều lắm. Bộ đội bị thương nằm lại dưới gốc cây hay trên những mỏm đất, ngủ mê, tỉnh dậy hay được anh em phát hiện, mối đã xông một phần cơ thể. Xác đồng đội hy sinh, nếu không được bó tăng võng chôn cất kịp thời, chưa đầy ba ngày thì chỉ còn là một nắm xương vụn.

Trước đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, tôi nghe bố thầm gọi tên từng người trong từng trận đánh. Dường như bố đang nói chuyện… Không biết các bác, các chú có nghe được lời bố khấn? Nhưng tôi biết chắc chắn một điều, đây là thời khắc bố đang rất gần với những người đồng đội. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, từ những ký ức xa xưa, bố như được sống lại với những người đã một thời vào sinh ra tử. Chiến đấu chỉ vì một mục tiêu duy nhất, mang lại độc lập, hòa bình cho Tổ quốc.

 Chẳng biết từ khi nào, nước mắt tôi đã lăn chảy ngọt lành…/.

Nguyễn Hội

Nguồn: https://baolongan.vn/nguoi-thuong-binh-trong-nghia-trang-a199451.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm