Những ngày đầu virus lạ xuất hiện
Đầu năm 2020, thế giới bắt đầu xôn xao về một chủng virus mới xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc), được gọi là SARS-CoV-2. Khi ấy, hầu hết chúng ta vẫn xem như “chuyện ở đâu đó xa xôi”, như từng làm với dịch SARS hay MERS. Nhưng chỉ ít tuần sau, Việt Nam ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc. Đó là khoảnh khắc mà đất nước lần đầu đối diện với cụm từ "cách ly y tế", "giãn cách xã hội", và "phong tỏa khu vực" - những điều trước đó chỉ xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng.
Virus SARS-CoV-2 - tác nhân gây ra đại dịch Covid-19 bên cạnh cấu trúc chuỗi RNA
Virus lan nhanh, dường như không thể kiểm soát. Từng con phố, từng phường, xã dần trở nên vắng lặng. Những khu dân cư bình thường nhộn nhịp bỗng trở thành vùng cách ly. Các ca nhiễm ban đầu chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng không lâu sau, con số bắt đầu tăng theo cấp số nhân. Từ vài chục ca, rồi hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn người mắc bệnh mỗi ngày, một con số mà trước đó khó ai có thể tưởng tượng nổi.
Chỉ thị 16 - cột mốc của thời cuộc
Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, đây là văn bản đánh dấu bước ngoặt lớn trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam. Cụm từ “giãn cách xã hội trên toàn quốc” chính thức đi vào đời sống, trở thành tâm điểm của mọi cuộc thảo luận, mọi quyết định từ chính quyền đến người dân.
Những ngày TP.Hồ Chí Minh quy định “Ai ở đâu yên đó”, sau 18 giờ, đường phố vắng người dân lưu thông, chỉ có lực lượng tham gia chống dịch được phép di chuyển trên đường. Trong ảnh: Một chiếc xe cấp cứu chạy trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.Hồ Chí Minh lúc 19 giờ 12 phút ngày 27-7 - Ảnh: Quang Định
Theo chỉ thị này, các địa phương được yêu cầu hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người, tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh không thiết yếu, người dân ở nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Các tuyến đường từng đông đúc nay chỉ còn bóng dáng vài chiếc xe cứu thương, xe chở nhu yếu phẩm và xe quân đội hỗ trợ tuyến đầu.
Đây là một quyết định chưa từng có tiền lệ. Nhưng chính sự quyết đoán ấy đã cứu vãn được rất nhiều sinh mạng và thời gian vàng để hệ thống y tế chuẩn bị. Cả nước cùng nhau “gồng mình” vượt qua. Từ những y, bác sĩ nơi tuyến đầu, lực lượng công an, quân đội hỗ trợ truy vết, kiểm soát dịch, đến từng người dân tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu giãn cách.
Nỗi ám ảnh không thể quên
Dịch bệnh không chỉ là những con số vô tri. Đằng sau mỗi ca dương tính là cả một gia đình xáo trộn. Đằng sau mỗi ca tử vong là những đám tang lặng lẽ, trong nước mắt và đau thương. Có người mất đi người thân mà không thể đến gần để tiễn biệt, có người là trụ cột gia đình nhưng nằm lại mãi nơi bệnh viện dã chiến.
Các khu cách ly F1, F0, Bệnh viện dã chiến (nguồn: Báo Công an TP. Hồ Chí Minh)
Từng đoàn xe cấp cứu chở bệnh nhân đến trong đêm. Những khu điều trị quá tải, thiếu máy thở, thiếu oxy. Bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ, có người phải gục ngã vì kiệt sức. Những clip người dân bật khóc xin nhập viện, những bản tin mỗi ngày với số người mắc, người tử vong… tất cả như một cơn ác mộng tập thể kéo dài suốt gần 2 năm liền.
Tâm lý hoảng loạn từng lan rộng khi “F0, F1, F2” trở thành cụm từ quen thuộc. Các ứng dụng truy vết, mã QR, chứng nhận tiêm vaccine… xuất hiện trong mọi khía cạnh đời sống. Chưa bao giờ sự sợ hãi lại trở nên cụ thể và bao trùm như thế. Không ai là không bị ảnh hưởng, từ học sinh đến người lao động, từ công nhân đến doanh nhân.
Tin Covid lại nóng và nóng hơn cả giá vàng
Thời gian trôi qua, khi vaccine được phủ rộng và cuộc sống dần bình thường trở lại, người ta tạm quên những ngày tháng đó. Nhưng “tạm quên” không có nghĩa là "đã quên". Mấy hôm nay, khi nhiều địa phương ghi nhận sự trở lại của biến thể mới, số ca mắc tăng rải rác, tin tức về Covid lại nóng trở lại.
Sự “nóng” này không chỉ là số ca mắc, mà là sự trở lại của nỗi lo. Người dân bắt đầu tìm lại khẩu trang, tra cứu lịch tiêm nhắc lại vaccine, quan tâm hơn đến sức khỏe. Trên các mạng xã hội, những dòng cảnh báo, chia sẻ triệu chứng lại xuất hiện, như thể một lời nhắc: Đại dịch có thể không còn là cơn bão dữ, nhưng nó vẫn còn đó, vẫn chực chờ quay lại.
Trong khi giá vàng lên xuống liên tục, khiến thị trường tài chính dậy sóng, thì tin Covid lại trở thành mối quan tâm phổ quát hơn, bởi nó ảnh hưởng đến từng gia đình, từng cá nhân. Chẳng có ai là miễn nhiễm với dịch bệnh. Và chẳng ai dám chắc tương lai sẽ không có một đợt bùng phát mới.
Không được chủ quan
Dịch bệnh có thể lắng xuống, nhưng bài học từ đại dịch vẫn còn nguyên vẹn: Không chủ quan, không xem nhẹ, không chậm trễ. Đó là tinh thần đã giúp Việt Nam đi qua những ngày tháng tối tăm nhất. Và đó cũng là điều sẽ giúp chúng ta ứng phó nếu đại dịch một lần nữa quay lại.
Đã đến lúc mỗi người cần nhìn lại, nhớ lại và hành động. Hãy giữ gìn sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng dịch cá nhân, quan tâm đến cộng đồng và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta đã từng vượt qua cơn khủng hoảng ấy và chắc chắn có thể vượt qua nếu giữ được sự đoàn kết, tỉnh táo và kỷ luật.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/172984/nho-lai-nhung-ngay-dau-covid-19-va-noi-am-anh-van-chua-ngu-yen
Bình luận (0)