Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những đại sứ văn hóa, du lịch

NGỌC HÀ

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng16/05/2025

Số lưu học sinh đến học tập, nghiên cứu và giao lưu ngôn ngữ, văn hóa tại các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng ngày càng tăng, đến từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lưu học sinh không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu, chiến lược tăng cường hội nhập và quốc tế hóa giáo dục đại học của đơn vị mà còn là những “đại sứ” văn hóa, du lịch, quảng bá giới thiệu thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, hiếu khách với bạn bè quốc tế.

Sinh viên Manon Brun và Gihan Zhiri đến từ Đại học Côte d’Azur (Pháp) chia sẻ: “Khoảng thời gian học tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) không những được tích lũy thêm về kiến thức mà còn đầy ắp những cơ hội để giao lưu và khám phá. Nhất định chúng tôi sẽ mang những câu chuyện về giáo dục, văn hóa, con người của thành phố biển xinh đẹp này kể cho gia đình, thầy cô, bạn bè”.

Trong khi đó, chương trình tham quan, trải nghiệm văn hóa và thực hành ngôn ngữ dành cho lưu học sinh học tiếng Việt tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) được tổ chức thường niên, có sự phối hợp giữa các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng, đem lại cơ hội cho lưu học sinh tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, lịch sử và thực hành tiếng Việt.

“Đây là hoạt động đặc trưng mà lưu học sinh rất hứng thú vì được hiểu biết, check in các điểm đến, danh thắng du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng như: Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Sơn Trà… Hoạt động này thiết thực thực hiện tinh thần Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tăng cường đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài”, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm cho biết.

Trường Đại học Ngoại ngữ  (Đại học Đà Nẵng) thường xuyên tiếp nhận sinh viên, học viên từ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Lào... đến học tập, giao lưu, trao đổi và nghiên cứu. Riêng năm 2024, nhà trường có hơn 200 sinh viên quốc tế theo học tại các khoa: Quốc tế học, Ngôn ngữ Anh nhằm trao đổi ngôn ngữ, văn hóa và học các chương trình tiếng Việt, văn hóa Việt Nam dành cho người nước ngoài. Nhà trường phối hợp các sở, ngành, hội liên quan tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế quy mô lớn, điển hình như: ngày hội giao lưu văn hóa Hàn Quốc; lễ hội văn hóa Maslenitsa, Liên bang Nga…

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, đây là hướng đi phù hợp thể hiện sứ mệnh của nhà trường với truyền thống 40 năm đào tạo, nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa, văn minh quốc tế.

Chương trình Kulturstudier mùa Xuân do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK) chủ trì, kết nối đối tác là Tổ chức văn hóa Kulturstudier của Na Uy tổ chức cũng là dấu ấn trong trao đổi sinh viên quốc tế. Chương trình năm nay là mùa thứ 4 thu hút hơn 40 sinh viên đến từ các quốc gia Bắc Âu cùng các sinh viên VNUK được tuyển chọn làm đại sứ kết nối các sinh viên quốc tế với văn hóa, danh thắng của Đà Nẵng. Trong thời gian 10 tuần, các sinh viên tham gia hội thảo, tham quan thực tế các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khám phá văn hóa địa phương, giao lưu văn hóa với cộng đồng người Cơ tu tại huyện Hòa Vang.

Không chỉ dừng lại ở quảng bá văn hóa, du lịch, các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế tại Đại học Đà Nẵng còn hướng đến các dự án phục vụ cộng đồng. Điển hình chương trình Learning Express phối hợp giữa Trường Đại học Bách khoa và Trường Singapore Polytechnic mùa thứ 8 diễn ra vào cuối tháng 4.

Sinh viên hai trường tham gia trực tiếp vào việc triển khai dự án thực địa tại các làng nghề truyền thống của huyện Hòa Vang; qua đó đề xuất cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ mới vào phát triển làng nghề. Cô Nur Aliffar Binte Nasrun, Trưởng đoàn sinh viên Trường Singapore Polytechnic, nhìn nhận đây là phương thức học tập, nghiên cứu, làm việc nhóm hiệu quả, gắn kết sinh viên của hai quốc gia trong khối Asean, đóng góp trí tuệ, sức trẻ vì cộng đồng.

Theo PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, thu hút sinh viên quốc tế không những đem lại giá trị cho người học, kết nối, trao đổi phát triển học thuật, mà còn góp phần nâng cao uy tín, kiến tạo môi trường quốc tế hóa giáo dục đại học, giới thiệu, quảng bá thành phố Đà Nẵng với bạn bè quốc tế.

Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202505/nhung-dai-su-van-hoa-du-lich-4006529/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm