Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tham vấn đội ngũ trí thức, chuyên gia góp phần thực hiện chủ trương phát triển Khu Thương mại tự do và Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng. Ảnh: NHẬT HẠ |
Theo các chuyên gia, báo cáo thường niên được tổ chức hằng năm là dịp để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu cùng thảo luận, trao đổi, phân tích chuyên sâu và đánh giá năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng qua ba trụ cột chính: vị thế kinh tế, nguồn lực doanh nghiệp và thể chế.
Báo cáo kinh tế thường niên dự báo, tham vấn, đề xuất các định hướng chiến lược quan trọng để thành phố nghiên cứu, triển khai trong năm 2025 và thời gian đến như: xây dựng Đà Nẵng thành đô thị tầm vóc quốc tế, gắn liền với bản sắc văn hóa Việt Nam và thương hiệu thành phố xanh, đáng sống; tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao, công nghệ số và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao; xây dựng và phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng và trung tâm tài chính quốc tế khu vực; tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế; phát triển công nghệ cao và công nghiệp 4.0; hoàn thiện thể chế hiện đại, thúc đẩy phát triển bền vững thông qua cải cách hành chính và cơ chế đặc thù; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ưu tiên năng lượng tái tạo và các giải pháp thân thiện với môi trường…
Theo PGS.TS. Lê Văn Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, nhà trường vừa tổ chức tọa đàm chuyên đề “Thách thức trong thu thập dữ liệu và định hình chính sách phát triển khu thương mại tự do tại Đà Nẵng (FTZ)” với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
GS. Tobias Kuhnimhof đến từ Đại học RWTH Aachen (Đức) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch các khu thương mại tự do, nhất là vai trò quan trọng của dữ liệu trong xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Bên cạnh đó, GS. Tobias Kuhnimhof cùng với các chuyên gia quốc tế như GS. Mario Cools, Đại học Liège (Bỉ), các chuyên gia Đại học Sydney (Úc), chuyên gia từ Hội đồng chính quyền đô thị thành phố Washington (Hoa Kỳ)… thảo luận, phân tích trường hợp thực tiễn dự án FTZ tại Đà Nẵng dưới góc độ chiến lược, pháp lý, hạ tầng và các chỉ số đánh giá hiệu quả (KPIs), chia sẻ kinh nghiệm thu thập, xử lý dữ liệu, góp phần ứng dụng vào thực tế Đà Nẵng trong chiến lược phát triển bền vững.
PGS.TS. Lê Văn Huy cho biết, cùng với việc đảm nhận đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Kinh tế còn chủ động, tích cực phối hợp các sở, ban, ngành thành phố tập huấn kiến thức về trung tâm tài chính quốc tế cho đội ngũ cán bộ, viên chức. Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Tài chính, đây là những hoạt động nhằm cụ thể hóa thực hiện chủ trương xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính, gắn với đổi mới sáng tạo, logistics và thương mại tự do. Đồng thời là bước hỗ trợ hệ thống hóa kiến thức, nâng cao nhận thức và tư duy về mô hình quản lý, vận hành, pháp lý, có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xu thế phát triển tài chính số, tài sản số và công nghệ tài chính (fintech), vận dụng vào thực tiễn thành phố Đà Nẵng.
NHẬT HẠ
Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202505/tu-nghien-cuu-den-tham-van-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-4006528/
Bình luận (0)