Việc CLB Perak FC đột ngột tuyên bố ngừng hoạt động vào cuối tháng 5.2025 không chỉgây chấn động làng bóng đá Malaysia mà còn phơi bày hàng loạt vấn đề nhức nhối về quản trị tài chính, mô hình hoạt động thiếu bền vững và nạn chi tiêu vượt khảnăng tại nhiều đội bóng chuyên nghiệp nước này.
Từ giữa năm ngoái, Perak FC đã cho thấy dấu hiệu bất ổn khi cầu thủ bị cắt giảm 50% lương. Trung vệ Shivan Pillay, cựu tuyển thủ U23 Malaysia, chia sẻ rằng anh và đồng đội phải thắt lưng buộc bụng, tự nấu ăn và chật vật lo tiền thuê nhà, trả góp xe.
Tháng 3.2025, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi CLB ngừng trảlương hoàn toàn. Đỉnh điểm là việc thủ môn Haziq Nadzli công khai trên mạng xã hội rằng ban lãnh đạo chỉ đề nghị thanh toán 20% của 6,5 tháng nợ lương. Ngày 25.5, Perak FC chính thức tuyên bố giải thể vì “hết sạch tài chính”.
Họ cho biết đã chi hơn 40 triệu ringgit trong ba năm qua, bao gồm 8 triệu RM để trảnợ cũ và mỗi năm 10 triệu RM cho vận hành đội bóng. Số tiền còn lại chỉ đủ để đưa cầu thủ ngoại hồi hương và thanh toán một phần nợ nhân viên.
Không chỉ Perak, CLB Kedah Darul Aman cũng không được cấp phép thi đấu mùa giải mới do không đạt yêu cầu tài chính. Ba đội khác gồm Kuala Lumpur FC, Kelantan Darul Naim FC và PDRM FC chỉ được cấp phép có điều kiện và phải bổ sung chứng từ tài chính. MFL (Giải VĐQG Malaysia) cảnh báo nếu không đáp ứng kịp thời, giấy phép sẽ bị thu hồi. Tình trạng chậm lương đã trở thành hiện tượng phổ biến.
KL City FC, từng vô địch Malaysia Cup 2021 bị tốnợ lương suốt một năm qua. Ở Sri Pahang, các cầu thủ chỉ được thanh toán tiền công ngay trước trận chung kết Cúp Quốc gia. Một số đội bán chuyên như Perlis United thậm chí để cầu thủ đi làm thuê ngoài như khai thác cao su vì không có thu nhập từ CLB.
Nhiều nhà quan sát nhận định, gốc rễ vấn đề nằm ở việc các CLB chi tiêu vượt khả năng, không kiểm soát dòng tiền và thiếu mô hình doanh thu ổn định. Ông Ng Wei Xian, cựu HLV thủ môn Perak FC, cho biết ban đầu CLB từng hứa xây dựng mô hình trẻ bền vững, nhưng sau đó lại lao vào chiêu mộ ngoại binh với kỳ vọng thành tích ngắn hạn sẽ kéo theo doanh thu.
Khi kỳ vọng không thành, hậu quả là nợ lương và giải thể. Ông Shahril Mokhtar, Giám đốc kỹ thuật Selangor FC khẳng định: “Chi tiêu phải dựa trên ngân sách thực tế. Nhiều CLB hiện nay cứ vung tiền mà không biết có đủ để trảhay không”. Ngay cả khi MFL nâng hạn ngạch ngoại binh lên 15 cầu thủ, ông cũng cảnh báo rằng chỉnhững đội có nền tảng tài chính vững mới nên theo đuổi mục tiêu đó.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Thể thao Malaysia Hannah Yeoh đã kêu gọi các CLB cần được điều hành bởi những người có năng lực quản lý và tài chính thực sự. “Nếu không thể quản trị hiệu quả, hãy để người khác làm thay. Đừng giữ ghế rồi khiến bóng đá đi xuống”, bà phát biểu.
Có thể nhận thấy, bóng đá Malaysia cần tái cấu trúc toàn diện mô hình vận hành CLB, từ siết chặt cấp phép, minh bạch tài chính đến khuyến khích phát triển cầu thủ nội thay vì quá phụ thuộc ngoại binh.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/the-thao/no-luong-va-giai-the-clb-149063.html
Bình luận (0)