Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nỗi lòng của đội viên "Đề án 500 trí thức trẻ"

(QBĐT) - Tràn đầy nhiệt huyết, tốt nghiệp đại học loại giỏi, trải qua quá trình tuyển dụng gắt gao để tham gia Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 500 trí thức trẻ) với kỳ vọng đóng góp cho quê hương, những trí thức trẻ đã được ký hợp đồng làm việc và gắn bó với các cơ quan nhà nước trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ cống hiến, hiện những người này đang rơi vào tình cảnh bấp bênh trong bối cảnh sắp xếp tinh gọn các đơn vị hành chính (ĐVHC).

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình14/05/2025

 
Từ đề án 500 tri thức trẻ...
 
Đề án 500 trí thức trẻ được Chính phủ phê duyệt ngày 30/9/2013 nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi trên cả nước. Chương trình với mục tiêu tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học để bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp cơ sở.
 
Tại tỉnh Quảng Bình, có 15 đội viên Đề án 500 trí thức trẻ được tuyển dụng. Quá trình thi tuyển chọn đội viên do Sở Nội vụ tổ chức dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Nội vụ, diễn ra khắt khe với nhiều vòng sàng lọc, nhằm bảo đảm những người được tuyển dụng đều là nhân sự chất lượng cao, có đủ năng lực và tâm huyết để cống hiến cho các địa phương đặc biệt khó khăn. Điển hình, tại huyện Bố Trạch, có 90 hồ sơ ứng tuyển nhưng chỉ có 2 người được chọn.
 
Sau khi trúng tuyển, các đội viên được ký hợp đồng từ tháng 3/2015; được cử đi đào tạo và bố trí công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, đảm nhiệm các vị trí quan trọng, như: Kế toán, văn hóa-xã hội, địa chính, tư pháp… Suốt hơn một thập kỷ qua, họ đã không ngừng nỗ lực đóng góp, giúp các xã miền núi và vùng sâu, vùng xa từng bước phát triển.
Những đội viên Đề án 500 trí thức trẻ đang lo lắng chờ đợi tỉnh xem xét, giải quyết chế độ, chính sách.
Những đội viên Đề án 500 trí thức trẻ đang lo lắng chờ đợi tỉnh xem xét, giải quyết chế độ, chính sách.
 
...Đến tình cảnh hiện tại
 
Ngày 1/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về giải pháp bố trí đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ. Theo đó, việc tuyển dụng, bố trí các đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào cán bộ, công chức cấp xã hoặc làm công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hoàn thành trước ngày 31/12/2025. Tuy nhiên, sau khi đề án kết thúc (năm 2020) đến nay, Quảng Bình vẫn còn 11 người chưa được tuyển dụng chính thức và rơi vào tình cảnh lao đao, không biết tương lai đi về đâu.
 
Chị Lê Thị Ngọc Hà (SN 1990) làm kế toán-tài chính 10 năm tại xã Mỹ Trạch (nay là xã Hạ Mỹ, Bố Trạch) cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần làm tờ trình kiến nghị cấp trên về việc tuyển dụng chị vào biên chế, đặc biệt khi một số vị trí đã được bổ nhiệm lên cấp cao hơn. Tuy nhiên, huyện không thể phê duyệt vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ cấp trên về chính sách tuyển dụng cho đội viên Đề án 500 trí thức trẻ.
 
Cùng tình cảnh, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1991), trú tại xã Phúc Trạch (Bố Trạch) cho hay, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng và tiếp đó hoàn thành chương trình thạc sĩ kế toán, chị thi đỗ và được tuyển dụng vào làm kế toán tại UBND xã Phú Trạch (nay là xã Hải Phú). Sau hơn 5 năm tận tụy với công việc, đến tháng 3/2020, khi đề án kết thúc, chị Linh bất ngờ rơi vào tình trạng thất nghiệp và thấp thỏm, chờ đợi chính sách từ cấp trên. Sau đó, Chính phủ có văn bản cho phép các địa phương gia hạn hợp đồng đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ đến ngày 31/12/2025 và UBND tỉnh đã đề nghị các huyện tiếp tục bố trí công tác. Đến tháng 5/2021, chị Linh mới được bố trí công tác tại UBND xã Phúc Trạch.
 
“Chúng tôi đã cống hiến hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa có hướng đi rõ ràng. Tuổi tác ngày càng cao, muốn xin việc mới cũng rất khó. Trong bối cảnh sắp xếp lại ĐVHC cấp xã và tinh gọn bộ máy, nỗi lo mất việc càng lớn hơn. Rất mong Nhà nước có chính sách sắp xếp công việc hoặc có chính sách hỗ trợ chúng tôi trong quá trình chuyển đổi công tác”, chị Linh bày tỏ.
 
Tương tự, chị Nguyễn Thị Như Trang (SN 1987), phụ trách Văn hóa-Xã hội tại UBND xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) cho biết: “Qua tìm hiểu, các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ ở các tỉnh, thành khác đã được ưu tiên xét tuyển vào biên chế công chức hoặc viên chức tại các đơn vị sự nghiệp. Trong khi đó, tại Quảng Bình, các đội viên vẫn chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy, chúng tôi mong muốn có một chính sách hỗ trợ phù hợp”.
 
Giải pháp nào? 
 
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, trước đây, UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị Sở Nội vụ hướng dẫn cụ thể về việc tuyển dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ vào công chức. Tuy nhiên, do chưa nhận được ý kiến từ cấp trên, quá trình này vẫn đang tạm dừng. Hiện nay, việc tuyển dụng trí thức trẻ gặp nhiều khó khăn do quá trình sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã. Khi số lượng ĐVHC giảm, chỉ tiêu biên chế cũng bị thu hẹp, việc bố trí nhân sự mới trở nên khó khăn hơn. “Chúng tôi hiểu nguyện vọng của các đội viên nhưng trước mắt cần chờ hướng dẫn cụ thể từ cấp trên để có giải pháp phù hợp”, ông Hồng chia sẻ.
 
"UBND tỉnh luôn quan tâm và dành chính sách ưu tiên cho đội viên trí thức trẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tuyển dụng thực sự gặp khó khăn. Sắp tới, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết chế độ, chính sách đúng quy định đối với các trường hợp này khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Nội vụ"-ông Trần Thế Vương cho biết thêm.
Ông Trần Thế Vương, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về việc tuyển dụng đội viên vào công chức, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp. Hàng năm, Sở cũng có văn bản gửi về các địa phương, đề nghị nếu có nhu cầu tuyển dụng thì ưu tiên các đội viên. Tuy nhiên, những năm qua, do thực hiện tinh giản biên chế 10%, chỉ tiêu tuyển dụng không còn, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận đội viên vào hệ thống công chức, viên chức.
 
Trước thực trạng trên, ngày 7/5/2025, Sở Nội vụ đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xin hướng dẫn chế độ đối với cán bộ cấp xã và đội viên Đề án 500 trí thức trẻ. Theo đó, về chế độ đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, Sở Nội vụ xin hướng dẫn các nội dung: Khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ có được tiếp tục bố trí hợp đồng ở các xã mới sau sắp xếp đến 31/12/2025 hay không? Sau khi sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư nhiều, không có biên chế để bố trí, tuyển dụng đối với các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ thì có được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, ngày 31/12/2024 của Chính phủ và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP, ngày 15/3/2025 của Chính phủ hay không?’
Thành Phúc

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/toa-soan-ban-doc/202505/noi-long-cua-doi-vien-de-an-500-tri-thuc-tre-2226260/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm