Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông dân Châu Đức khởi nghiệp làm giàu

Châu Đức có hệ sinh thái đa dạng, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp. Phát huy lợi thế đó, nhiều nông dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ, tìm kiếm những mô hình sản xuất hiệu quả, lợi nhuận cao.

Báo Bà Rịa - Vũng TàuBáo Bà Rịa - Vũng Tàu27/05/2025

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của anh Trần Tài tại Trung tâm Hành chính tỉnh.
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của anh Trần Tài tại Trung tâm Hành chính tỉnh.

Giám đốc nông dân

Kể câu chuyện đầu tư chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo để đạt OCOP 4 sao, anh Trần Tài (thôn Tân Bình, xã Bàu Chinh) cho biết, anh đam mê nghiên cứu chuyên sâu về nấm từ khi còn là sinh viên đại học. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ sinh tại Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), anh quyết định khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm tại huyện Châu Đức.

Suốt 8 năm ròng rã vừa làm vừa rút kinh nghiệm, niềm đam mê thôi thúc anh từng bước chinh phục và nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo. Đến nay, anh đã có 8 sản phẩm chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo, trong đó 2 sản phẩm (trà túi lọc đông trùng hạ thảo Vinabiomush và nấm đông trùng hạ thảo khô Vinabiomush) đạt OCOP 4 sao; 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh…

Mỗi năm, cơ sở cung cấp hơn 1.000 hộp trà túi lọc đông trùng hạ thảo, 500kg nấm đông trùng hạ thảo khô, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng. Anh đã mở rộng nhà xưởng lên 1.250m2, trong đó diện tích các phòng nuôi cấy nấm hơn 200m2. Anh tận dụng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, nhiều khách đến tham quan, học tập kinh nghiệm và đặt mua hàng. Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, anh còn hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật, giúp hơn 50 lao động trong và ngoài tỉnh phát triển mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo.

Tận dụng lợi thế tự nhiên từ thảm thực vật rộng (chủ yếu là các vườn cây ăn trái và hoa cỏ dại), anh Trương Nhật Trường, hội viên nông dân ấp Tiến Thành (xã Quảng Thành) có thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi ong dú. Sau 7 năm gầy dựng, anh Trường đã có hơn 800 tổ ong nuôi trong khuôn viên 150m2.

Chỉ tay lên tường gạch, nơi đặt chi chít các tổ ong dú, anh Trường vui vẻ chia sẻ, một khách hàng từ tỉnh Lâm Đồng vừa xuống tận nơi tham quan và đặt mua hơn 500 thùng ong giống. Theo anh Trường, những kiến thức nuôi ong, lấy mật, làm tổ, tách đàn… đều được anh chia sẻ tận tình với bà con nông dân. Anh mong muốn mô hình nuôi ong dú được nhân rộng, trở thành mô hình kinh tế hiệu quả cho bà con nông thôn để tận dụng lợi thế hoa cỏ thiên nhiên và lao động nhàn rỗi.

Hình thành đội ngũ nông dân mới

Trong thực tế sản xuất, nhiều nông dân khởi nghiệp thành công từ chính mảnh đất của mình, huy động nhiều nông dân khác tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi tiêu thụ sản phẩm với giá trị mang lại rất lớn. Lớp nông dân khởi nghiệp này không chỉ giỏi trong sản xuất mà còn hiểu về tổ chức sản xuất, đầu tư chế biến và nhất là về thị trường, chủ động được đầu ra cho nông sản. 

Đến thăm các mô hình nông nghiệp tại huyện Châu Đức, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Mai Minh Quang chia sẻ, vì xuất thân từ nông dân nên giám đốc DN và HTX rất chịu khó học tập. Họ hiểu được nông dân, hiểu được những ưu thế cũng như những điều bất lợi. Họ đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, nhà tài chính, nhà tiêu thụ và nhất là nông dân để xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất.

Tại huyện Châu Đức, nhiều tấm gương nông dân khởi nghiệp thành công, trở thành chủ DN, giám đốc HTX xây dựng được những chuỗi liên kết nông sản từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Điển hình như: ông Hoàng Đệ Tam, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang với mô hình trồng nấm bào ngư, nấm mèo; ông Đoàn Xuân Khiêm, ở thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành với mô hình nuôi cá chình thương phẩm; các HTX trồng ca cao, sầu riêng, hồ tiêu xuất khẩu…

Hội nông dân các cấp luôn tạo điều kiện về vốn, thị trường và các chính sách của tỉnh nhằm phát triển hệ sinh thái hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

“Yêu cầu hội nhập quốc tế đòi hỏi phải hình thành đội ngũ nông dân có tư duy mới, kiến thức mới để tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ qua sản xuất hàng hóa lớn, theo chuỗi giá trị và sát với nhu cầu thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế của nông sản, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp”, ông Mai Minh Quang cho hay.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202505/nong-dan-chau-duc-khoi-nghiep-lam-giau-1043709/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm