Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông dân mong giá phân bón sớm giảm trở lại

Gần đây, giá lúa và nhiều sản phẩm cây trồng không còn duy trì được mức giá cao như năm trước nhưng giá nhiều loại phân bón đã liên tục có chiều hướng tăng trong khoảng 3 tháng qua. Ðến nay, giá nhiều loại phân bón đã vọt lên ở mức rất cao so với hồi đầu năm 2025 và so với cùng kỳ năm trước.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ14/05/2025

Phân bón được bày bán tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Giá tăng cao

So với hồi đầu năm 2025, hiện giá nhiều loại phân bón vô cơ (phân bón hóa học) đã tăng từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng trên mỗi bao phân bón loại 50 kg/bao. Giá tăng mạnh nhất là ở một số loại DAP và phân đạm (phân bón Urê). Còn các loại phân bón NPK, Kali và lân có mức  tăng ít hơn.

Ngày 9-5, giá các loại phân đạm (Urê) như Ðạm Phú Mỹ, Ðạm Cà Mau, Urê Ninh Bình và một số loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc được bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận tại vùng ÐBSCL ở mức 600.000-650.000 đồng/bao. Mức giá này đang cao hơn khoảng 70.000-100.000 đồng/bao so với hồi đầu năm và cao hơn khoảng 80.000-140.000 đồng/bao, tùy loại so với cùng kỳ năm trước. Ðáng chú ý, giá DAP Trung Quốc (loại hạt xanh Hồng Hà) vào hồi đầu năm chỉ ở mức 950.000-1.000.000 đồng/bao, thì nay đã lên ở mức 1.450.000-1.500.000 đồng/bao. So với cùng kỳ năm trước, giá đang cao hơn khoảng 450.000-510.000 đồng/bao. Hiện nhiều loại phân DAP khác cũng được bán với giá khá cao. Giá DAP Hàn Quốc từ 1.200.000-1.300.000 đồng/bao; DAP Trung Quốc loại hạt vàng và DAP Nga hạt đen và hạt xanh ở mức 960.000-1.100.000 đồng/bao. Còn giá NPK 20-20-15 Ba Con Cò và Bình Ðiền đang ở mức 1.000.000-1.100.000 đồng/bao. Giá Kali (Nga, Belarus, Israel) ở mức 460.000-580.000 đồng/bao. Phân lân (Long Thành) giá 250.000-260.000 đồng/bao, lân (Văn Ðiển) ở mức 300.000-320.000 đồng/bao… Giá phân bón tăng không chỉ bởi các yếu tố cung - cầu trong nước mà còn chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Hiện nước ta còn phải nhập khẩu nhiều loại phân bón và nguyên liệu để sản xuất phân bón. Thời gian qua, giá nhiều loại phân bón trên thị trường thế giới có biến động tăng và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh phân bón như điện, xăng dầu, tiền thuê nhân công, chi phí vận chuyển… cũng tăng và duy trì ở mức cao đã tác động trực tiếp đến giá bán các loại phân bón trong nước. Nhập khẩu một số loại phân bón có gặp khó và phát sinh thêm chi phí, ảnh hưởng đến nguồn cung và giá bán. Nhiều loại phân bón khi đến được tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến giá bán cũng bị đội lên cao so với giá bán tại các nhà máy sản xuất và đầu mối nhập khẩu. Giá nhiều loại phân bón tăng cao đã khiến cho nông dân và cả những người tham gia kinh doanh, bán bán lẻ phân bón đều gặp khó và rất mong giá sớm giảm trở lại. Ông Ðỗ Văn Tùng, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Tùng Lan tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Những ngày gần đây, giá hầu hết các loại phân bón đều có xu hướng chững lại, không còn tiếp tục tăng nữa nên tôi hy vọng tới đây giá sẽ giảm trở lại. Hiện tại, sức mua phân bón cũng giảm đáng kể so với các tháng trước, do nông dân tại nhiều nơi đã bón phân đợt 2 và đợt 3 cho lúa hè thu 2025 nên giảm nhu cầu mua phân bón". Cũng theo ông Tùng, việc giá phân bón tăng cao không chỉ làm tăng chi phí sản xuất lúa và nhiều loại cây trồng, ảnh hưởng làm giảm lợi nhuận của nông dân mà còn khiến các cửa hàng bán lẻ phân bón gặp nhiều khó khăn. Các cửa hàng không chỉ khó kiếm lời mà còn cần phải bổ sung thêm nguồn vốn cho việc kinh doanh, dẫn đến có thể gặp khó về vốn. Khi giá bán phân bón tăng cao, nhiều cửa hàng thường phải thận trọng trong việc lấy hàng vào và hạn chế cho nông dân mua thiếu nợ tiền vì sợ khó thu hồi nợ và sợ giá phân bón giảm mạnh trở lại sẽ bị lỗ nặng nếu còn lượng hàng tồn kho nhiều.

Mong phân bón đảm bảo chất lượng và giá giảm

Nông dân lo về việc giá phân bón tăng cao làm tăng chi phí cho sản xuất lúa cùng nhiều loại cây trồng và tạo nhiều nguy cơ rủi ro, đe dọa đến hiệu quả sản xuất. Ðồng thời, nông dân cũng lo lợi nhuận bị sụt giảm mạnh khi gần đây giá lúa và nhiều sản phẩm cây trồng không còn duy trì được mức giá cao như cùng kỳ năm trước.

 Ông Lê Văn Hai, nông dân trồng lúa ở ấp Ðông Thạnh, xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Gần đây, lợi nhuận của nông dân trồng lúa bị sụt giảm mạnh do tác động kép từ việc giá lúa giảm và giá phân bón cùng nhiều chi phí sản xuất đầu vào tăng. Tôi rất mong giá phân bón sớm giảm trở lại và giá lúa được cải thiện hơn. Hiện giá nhiều loại lúa đã giảm từ 1.500-2.000 đồng/kg so với vụ lúa đông xuân và hè thu năm trước nhưng giá các loại phân bón lại tăng cao. Ðiều đáng nói, không chỉ giá các loại phân bón nhập khẩu từ nước ngoài tăng cao mà nhiều loại phân đạm được sản xuất trong nước cũng tăng giá mạnh. Nông dân phải mua đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ với giá 630.000-650.000 đồng/bao. DAP hạt xanh của Trung Quốc có giá 1.500.000 đồng/bao, đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua". Ông Huỳnh Văn Tiến ở ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, cũng cho biết: "Nông dân trồng sầu riêng và nhiều loại cây ăn trái cũng bị giảm lợi nhuận do giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào tăng, làm tăng chi phí, trong khi giá bán trái cây không được cao như năm trước. Giá bán nhiều loại sầu riêng đã thấp hơn từ 25.000-30.000 đồng/kg so với năm trước. Ðể sản xuất được thuận lợi hơn, nông dân rất mong giá phân bón sớm giảm mạnh trở lại".

Giá phân bón tăng cũng khiến nhiều nông dân gặp khó về vốn đầu tư cho sản xuất, nhất là khi cửa hàng vật tư nông nghiệp hạn chế bán thiếu hoặc chỉ cho mua thiếu một phần phân bón. Nông dân rất mong ngành chức năng kịp thời có giải pháp kéo giảm giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp. Quan tâm ổn định cho đầu ra của lúa gạo và các loại nông sản để bà con an tâm sản xuất. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường để đảm bảo chất lượng các loại phân bón, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo ông Cao Ngọc Lạc ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, ngành chức năng cần quan tâm kiểm soát chặt thị trường để đảm bảo chất lượng các loại phân bón và tránh tình trạng phân bón được bán với giá cao bất hợp lý. Hiện nay, nông dân rất lo các đối tượng xấu lợi dụng việc phân bón bán giá cao sẽ đưa ra thị trường những loại phân bón có giá thấp hơn nhưng chất lượng không đảm bảo hoặc lợi dụng thị trường có nhu cầu nhiều mà buôn bán các loại phân bón giả, kém chất lượng.

Ðể giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, tới đây ngành chức năng cũng cần tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chủ động phòng tránh sâu bệnh… để giảm chi phí, tiết kiệm tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và tạo điều kiện cho nông dân được mua các loại phân bón với chất lượng đảm bảo và có giá cả hợp lý.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nong-dan-mong-gia-phan-bon-som-giam-tro-lai-a186391.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm